Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), do hậu quả bão số 12, đường sắt Bắc-Nam qua khu vực Đèo Cả bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến ngành đường sắt phải chuyển tải hành khách qua khu vực ngập và sạt lở.
Theo đó, hàng trăm cây cối, cột thông tin tín hiệu, cột điện… đổ vào đường sắt, gây ách tắc tuyến đường sắt Bắc-Nam. Đặc biệt, tại km1226+780 khu gian Hảo Sơn-Đại Lãnh bị sụt trượt nặng taluy âm về phía biển, khiến xói đá nền đường, treo ray. Ray đường sắt tại đây “lơ lửng” ở độ cao 30m so với mực nước biển, không thể chạy tàu.
Để khắc phục sự cố này, các đơn vị thi công trong ngành đường sắt đang khẩn trương tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư, vật liệu để thi công đảm bảo tiến độ trả đường khu gian Hảo Sơn-Đại Lãnh và thông tàu tốc độ 5km/giờ qua km1226+780 trước 12 giờ ngày 9/11 tới đây.
[Khoảng 1.500 hành khách đi tàu hỏa bị mắc kẹt vì bão số 12]
Bên cạnh đó, đường sắt qua khu vực Thừa Thiên Huế bị ngập nặng nên nhiều đoàn tàu phải chờ đường ở các ga. Hiện ngành đường sắt tiếp tục tổ chức chuyển tải hành khách giữa hai ga Hảo Sơn (Phú Yên) và Đại Lãnh (Khánh Hòa); tạm thời phải bãi bỏ một số mác tàu, đồng thời quay vòng các toa xe, đoàn tàu, tổ chức chạy tàu hợp lý…
Trao đổi với VietnamPlus, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, các năm trước tàu chạy bình thường nhưng các cơn bão vừa qua, Tổng công ty đã có sự thay đổi, đó là lần đầu tiên điều chỉnh giờ tàu từ ga xuất phát, thông báo trước cho hành khách trước 6 tiếng từ ga xuất phát, không cho tàu đi vào tâm bão sẽ giảm các chi phí phục vụ, tránh lỗ.
“Các năm trước thấy bão nhưng tàu vẫn lao vào vì phương châm phục vụ khách nhưng như thế là không an toàn và chất lượng lại đi xuống do phải chờ thông đường, chưa kể phải chuyển tải vì không thể đi qua được các đoạn đường bị ngập hoặc cây cối hay cột điện đổ đè xuống đường ray… Hơn nữa, nếu tàu chờ thông đường thì áp lực lại dồn lên đối với công nhân sửa chữa hạ tầng phải thi công nhanh để an toàn,” ông Minh cho hay./.