Thèm giấc ngủ trong tiếng reo mừng chiến thắng

Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong ký ức của Trung tướng Nguyễn Ân, những năm tháng bom đạn luôn là kỷ niệm không thể nào quên.
Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng với Trung tướng Nguyễn Ân, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 thời kỳ 1973-1975 những giây phút trong buổi trưa lịch sử 30/4/1975 không thể nào phai mờ trong tâm trí ông.

Trong giây phút thảnh thơi, khi cả nước rộn ràng kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, vị Trung tướng già hồi tưởng lại câu chuyện lịch sử cách đây 35 năm.

Tiến về Sài Gòn sau một tuần không ngủ

Câu chuyện bắt đầu với mốc thời gian 24/4/1975. Lúc đó, ông Nguyễn Ân đang là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, một trong những đơn vị chủ lực đánh vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

“Sau khi giải phóng Đà Nẵng, do yêu cầu của Bộ Chính trị, đơn vị của tôi sẽ nổ phát súng đầu tiên vào sào huyệt cuối cùng của địch tại Sài Gòn. Ngày 24/4/1975, đơn vị chúng tôi bắt đầu hành quân từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Và cho đến ngày 26/4, toàn bộ lực lượng đã ở vị trí tập kết để sẵn sàng chiến đấu.”

Đơn vị do Trung tướng Nguyễn Ân chỉ huy lúc đó tiến đánh Sài Gòn theo hướng Đông. Khi lên đường, mỗi chiến sỹ phải mang theo một tuần gạo ăn, lương khô. Cũng do nhận biết được sự ác liệt trong những ngày tổng tiến công nên các chiến sỹ ngồi trên xe thay phiên nhau ngủ để đảm bảo sức khỏe.

“Do phải thường xuyên nắm bắt tình hình để có những điều chỉnh tức thời khi hành quân nên trên đường vào Sài Gòn, mình không thể chợp mắt một phút nào,” Trung tướng Ân kể lại.

Ngày 26/4/1975, đơn vị do Trung tướng Nguyễn Ân chỉ huy nổ tiếng súng đầu tiên mở màn cho cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn. Với nhiệm vụ chiếm giữ căn cứ Nước Trong, Tổng kho Long Bình, Trung tướng Ân và các chiến sỹ đã nhanh chóng làm chủ được tình thế.

“Khi chiếm được khu Tổng kho Long Bình, toàn đơn vị nghỉ ngơi để chuẩn bị tiến vào Sài Gòn theo đường 15. Long Bình là địa bàn khá cao nên để lấy được nước nấu ăn chúng tôi phải đi mất gần 5 cây số. Vì không có nước, chẳng  ai được tắm rửa mặc dù người dính đầy đất bụi, có người còn có cả máu…”

Ngày 28/4/1975, mũi tiến công do Trung tướng Nguyễn Ân dẫn đầu chiếm lĩnh được đường 15. Tuy nhiên, khi vào đến khu vực Thủ Đức, địch chống trả rất quyết liệt. “Rất nhiều chiến sỹ đã ngã xuống ngay trước cửa ngõ Sài Gòn. Địch kháng cự mạnh mẽ. Chỉ đến khi đơn vị pháo binh của Sư đoàn 304 đánh tan hải quân của địch tại sông Sài Gòn thì chúng tôi mới tiến vào được nội đô...,” Trung tướng  Ân bồi hồi nhớ lại.

Giấc ngủ trong tiếng reo mừng chiến thắng

Thẳng hướng Đông, mũi tiến công của Trung tướng Nguyễn Ân là một trong những đơn vị đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của địch tại Sài Gòn.

“Khi chúng tôi tiến vào Sài Gòn, quân giải phóng đi đến đâu người dân đổ ra đường ăn mừng chiến thắng đến đó. Toàn thành phố như vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.”

“Tuy nhiên có một điều mà tôi thấy Bộ Chính trị của ta khi đó đã rất đúng là kéo quân địch ra ngoài nội đô Sài Gòn để đánh. Khi tiến vào Sài Gòn, toàn thành phố vẫn khá yên bình, lực lượng địch bị tiêu diệt hết ở vòng ngoài nên cũng không đủ sức để kháng cự nữa. Quân ta đều thẳng tiến về các mục tiêu cuối cùng mà đã được phân công.”

Sau khi Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 304 chiếm được Dinh Độc Lập và bắt sống được Dương Văn Minh, quân và dân hò reo mừng ngày thống nhất hai miền Nam-Bắc.

Tuy nhiên, do mang trọng trách chỉ huy nên Trung tướng Nguyễn Ân phải chuẩn bị mọi thủ tục để tiếp quản Sài Gòn và đặc biệt là giữ “an toàn” cho Dương Văn Minh.

“Toàn Sài Gòn lúc đó vẫn ầm ầm tiếng súng ở khắp mọi nơi nhưng đó là tiếng súng ăn mừng chiến thắng của quân ta. Dương Văn Minh nghe thấy nhiều tiếng súng sợ hãi, không dám ra ngoài.”

“Sau khi đã hoàn thành các thủ tục để chờ lãnh đạo đến bàn giao, tôi và anh Nguyễn Hữu An lúc đó là Tư lệnh Quân đoàn II rủ nhau đi xem các phòng ốc trong Dinh Độc Lập để nắm bắt tình hình,” Trung tướng Ân kể tiếp.

“Cho đến 7 giờ tối, khi lãnh đạo phía ta đã tiếp quản hoàn toàn các đơn vị bắt đầu chia nhau về từng nơi để nghỉ ngơi. Tôi và một số người khác sang bên trụ sở Bộ Nội vụ lúc đó để tắm nhờ.

“Sau khi tắm xong, tôi chỉ nghĩ kiếm tạm cái gì ăn rồi đi ngủ. Suốt một tuần liền không được chợp mắt nên ai nấy đều thèm ngủ. Mỗi anh em ăn tạm bát mỳ rồi đều tìm chỗ ngả lưng. Tôi lên giường và nhanh chóng thiếp đi mặc dù ở ngoài hàng nghìn người đang hò reo 'giải phóng Sài Gòn rồi,' 'hòa bình muôn năm,' 'Bác Hồ muôn năm'..." ông Ân bồi hồi nhớ lại ký ức ngày 30/4 lịch sử./.

Ngọc Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục