Thêm nhiều đảng tẩy chay bầu cử tổng thống ở Algeria

Tiếp tục có thêm ba đảng Hồi giáo tuyên bố không tham gia cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Algeria.

Tiếp tục có thêm ba đảng Hồi giáo đối lập lớn ở Algeria là Ennahda, Mặt trận Công lý và phát triển (FJD) và Phong trào Xã hội vì hòa bình (MSP) tuyên bố không tham gia cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại nước này, dự kiến diễn ra vào ngày 17/4 tới.

Trước đó, đảng thế tục Tập hợp vì Văn hóa và dân chủ (RCD) cũng đã tuyên bố tẩy chay sự kiện quan trọng này, trong khi Mặt trận các Lực lượng xã hội (FFS) - đảng đối lập lâu năm nhất ở Algeria theo khuynh hướng dân chủ - vẫn chưa quyết định có tham gia cuộc bầu cử hay không.

Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, phát biểu ngày 21/2, Chủ tịch MSP - đảng Hồi giáo lớn nhất, xuất thân từ Tổ chức Anh em Hồi giáo - ông Abderrazak Makri cho biết quyết định trên đã được tuyệt đại đa số các đảng Hồi giáo thông qua với lý do cuộc bỏ phiếu sắp tới "sẽ là việc gia đình của chính quyền," do đó Tổng thống Abdelaziz Bouteflika sẽ không có khó khăn gì để đắc cử nếu ông tái tranh cử.

Trong khi đó, ông Ali Benhadj, nhân vật số hai của đảng Mặt trận Hồi giáo cứu thế (FIS) đã bị giải thể vào tháng 3/1992, dọa sẽ kiện Bộ trưởng Nội vụ Algeria nếu ông không được phép ứng cử.

Bộ Nội vụ Algeria trước đó đã hai lần từ chối cung cấp tờ khai đăng ký tranh cử cho ông này.

Ông Ali Benhadj từng bị giam trong 12 năm vì phạm "tội chống phá an ninh quốc gia" rồi được trả tự do vào năm 2003, nhưng bị tước quyền công dân và hoạt động chính trị trong 5 năm sau khi được ra tù.

Ngày 21/2, Tổng thống Algeria Bouteflika đã yêu cầu chính quyền các cấp phải "hoàn toàn trung lập và công bằng" trong việc tổ chức cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Ông nêu rõ cần tránh mọi hành động có thể xâm phạm quyền của cử tri và các ứng cử viên được Hiến pháp và luật pháp quy định.

Tổng thống cũng yêu cầu các tỉnh trưởng và các nhà lãnh đạo khác phải hội tụ đủ điều kiện và huy động mọi năng lực sẵn có để bảo đảm cuộc bỏ phiếu diễn ra tốt đẹp và đúng pháp luật, đồng thời ngăn chặn mọi ý đồ xâm phạm nguyên tắc trung lập hay gây phương hại tới độ tin cậy của cuộc bỏ phiếu.

Hiện 1.541 ủy ban bầu cử địa phương đã được thành lập, 3.250 phòng họp và địa điểm công cộng đã được chuẩn bị cho cuộc vận động tranh cử sẽ diễn ra từ ngày 23/3-13/4. Tính đến cuối năm 2013, đã có 22.460.600 cử tri đăng ký bỏ phiếu.

Đương kim Tổng thống Bouteflika, người trúng cử lần đầu năm 1999, tái đắc cử vào các năm 2004 và 2009 với nhiệm kỳ 5 năm, đã được bốn chính đảng chính thức kêu gọi tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư bất chấp điều kiện sức khỏe của nhà lãnh đạo 76 tuổi này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục