Chứng khoán châu Á khởi sắc trong phiên giao dịch sáng 15/7

Thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc trong phiên giao dịch sáng 15/7

Sắc xanh tràn ngập thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương với một loạt chỉ số chủ chốt tại các thị trường Tokyo, Sydney, Singpore đều tăng hơn 1% điểm, trong đó Nikkei 225 tăng tới 1,4% điểm.
Thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc trong phiên giao dịch sáng 15/7 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: moneycontrol)

Thông tin về triển vọng sớm có vắcxin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cùng với khả năng Mỹ triển khai thêm các gói kích thích kinh tế đã trở thành yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch sáng 15/7.

Sắc xanh tràn ngập thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương với một loạt chỉ số chủ chốt tại các thị trường giao dịch Tokyo, Sydney, Singpore đều tăng hơn 1% điểm, trong đó Nikkei 225 của Nhật Bản tăng tới 1,4% điểm.

Cùng chiều tăng còn có thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Jakarta (Indonesia) và Wellington (New Zealand).

Trong khi đó, Thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) và Manila (Philippines) ngược chiều.

[Chứng khoán trên thị trường châu Á và châu Âu lại đỏ sàn]

Chốt phiên giao dịch đêm 14/7, tại thị trường Phố Wall (Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,1% lên 26.642,59 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1,3% lên 3.197,52 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,9% lên 10.488,58 điểm.

Còn tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của thị trường London (Vương quốc Anh) chốt phiên với mức tăng 0,1% lên 6.179,75 điểm, trong khi chỉ số DAX 30 của thị trường Frankfurt (Đức) giảm 0,8% xuống còn 12.697,36 điểm và chỉ số CAC 40 của thị trường Paris (Pháp) giảm 1% xuống còn 5.007,46 điểm. Chỉ số Euro Stoxx 50 giảm 0,9% xuống 3.321,39 điểm.

Các thị trường chứng khoán Âu-Mỹ đã ghi nhận diễn biến như trên khi các phương tiện truyền thông đưa tin các quan chức và nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa của Mỹ đang có sự thay đổi quan điểm về các biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm cả sự phản đối trước đó về việc mở rộng các khoản hỗ trợ thất nghiệp bổ sung.

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Low của FHN Financial, sự cam kết về việc đưa ra các gói kích thích kinh tế đang góp phần “tiếp sức” cho những dự đoán về kinh tế của giới chuyên gia và người dân Mỹ.

Tuy vậy, tâm lý lo ngại về tác động của lệnh phong tỏa được áp dụng trở lại tới triển vọng của hoạt động sản xuất-kinh doanh ở Mỹ đang xuất hiện sau khi các cơ quan chức năng đã triển khai lại một số biện pháp phòng chống dịch bệnh ở một số bang của Mỹ, Australia và Hong Kong (Trung Quốc).

Theo nhà phân tích Fiona Cincotta của City Index, tình trạng đóng cửa nền kinh tế đã làm dấy lên những quan ngại rằng sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự hồi phục kinh tế vốn mong manh hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục