Thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ với gần 270 mã giảm điểm

Kết phiên giao dịch ngày 13/4, VN-Index giảm 5,15 điểm xuống 1.064,3 điểm, giá trị khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 13.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ với gần 270 mã giảm điểm ảnh 1(Nguồn: Vietnam+)

Thị trường hôm nay (13/4) chứng kiến giao dịch lình xình giữa các lớp, ngành cổ phiếu khi toàn sàn có 268 mã giảm điểm, 55 mã đứng giá và chỉ 121 mã tăng điểm.

Cùng với đó, việc khối ngoại tiếp tục "xả mạnh" khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.

Kết phiên, VN-Index giảm 5,15 điểm xuống 1.064,3 điểm. HNX- Index giảm 2,1 điểm xuống 209,84 điểm. UPCOM-Index tăng 0,2 điểm lên 79,35 điểm.

Về giá trị khối lượng giao dịch toàn thị trường hơn 13.000 tỷ đồng, riêng trên HOSE tương ứng hơn 11.000 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 300 tỷ đồng trên sàn HOSE; trong đó, nổi bật bán VND, SHS, HPG, STB...

Diễn biến thị trường ghi nhận tâm lý thận trọng của cả bên mua và bên bán, phần lớn các mã đều giao dịch quanh mốc tham chiếu với thanh khoản thấp. Các nhóm ngành không thể hiện được sức mạnh để trở thành nhóm dẫn dắt khi các cổ phiếu giao dịch trong biên độ hẹp, các mã lên không mạnh, xuống cũng không sâu.

[Dòng vốn vào thị trường chứng khoán tiếp tục giữ xu hướng thận trọng]

Các cổ phiếu bất động sản đã không còn duy trì được đà tích cực của phiên hôm qua, duy chỉ DIG giao dịch với màu xanh, còn lại chủ yếu là đỏ hoặc tham chiếu.

Giao dịch trong nhóm ngân hàng cũng không có gì nổi trội, ngoại trừ STB còn giữ được sắc xanh với mức tăng 1,34%, các mã khác cơ bản giảm điểm.

Điểm nhấn SHB của phiên hôm qua đã không còn thể hiện được trong phiên hôm nay khi giảm 1,21% và thanh khoản chưa bằng 50% của phiên trước đó.

Mọi sự chú ý của các nhà đầu tư hôm nay dồn về phía các mã của họ dầu khí do đêm qua giá dầu trên thị trường thế giới tăng khá tốt. Vừa mở cửa các mã dầu khí đã tăng tốt, PVS, PVD tăng hơn 2%, cá biệt có PVC có lúc tăng tới 3,5%.

Tuy nhiên, các mã nãy cũng không còn duy trì được tới phiên chiều khi lực bán tăng mạnh khiến các cổ phiếu này đóng cửa đều ở sắc đỏ.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á phần lớn giảm trong phiên 13/4 sau khi biên bản cuộc họp chính sách gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các quan chức dự báo nền kinh tế Mỹ suy thoái vào cuối năm nay, trong khi số liệu lạm phát không thể làm giảm đồn đoán về một đợt tăng lãi suất nữa.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,3% lên 28.156,97 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,5% xuống 20.205,92 điểm do sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu ngành công nghệ sau khi tờ Financial Times đưa tin tập đoàn tài chính SoftBank của Nhật Bản đang tìm cách bán lượng lớn cổ phần trong Alibaba mà tập đoàn này nắm giữ.

Chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải 0,3% xuống 3.318,36 điểm. Giá cổ phiếu của Alibaba đã có lúc giảm hơn 5%, trong khi cổ phiếu của đối thủ JD.com giảm khoảng 4%. Chứng khoán Sydney, Đài Bắc, Mumbai, Manila và Jakarta cũng giảm, trong khi chứng khoán Singapore, Wellington và Seoul tăng nhẹ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ thấp hơn dự kiến trong tháng 3/2023 đã mang đến một số hy vọng cho nhà đầu tư rằng kế hoạch thắt chặt tiền tệ kéo dài một năm qua cuối cùng đã cho thấy kết quả. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nói rằng nhiều chi tiết cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm.

CPI tháng 3/2023 ở mức 5%, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021. Tuy nhiên, lạm phát lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng, đã tăng lên 5,6% so với mức 5,5% trong tháng trước đó.

Số liệu này được đưa ra sau báo cáo việc làm hôm 7/4 cho thấy hoạt động tuyển dụng vẫn mạnh và giúp củng cố đồn đoán Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 5/2023, và là lần tăng thứ 10 chỉ trong hơn một năm.

Các nhà giao dịch đang chờ đợi báo cáo lạm phát bán buôn công bố vào cuối ngày 13/4 và lợi nhuận quý 1/2023 từ các ngân hàng hàng đầu, trong đó có JPMorgan và Citibank, vào ngày 14/4. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng lần đầu tiên trong sáu tháng cũng không giúp hỗ trợ thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục