Thị trường dầu mỏ thế giới đi xuống trước kỳ nghỉ lễ

Tuy được hậu thuẫn khá nhiều từ những yếu tố tích cực chi phối, song thị trường dầu mỏ thế giới trước kỳ nghỉ lễ Phục Sinh vẫn chủ yếu đi xuống.
Thị trường dầu mỏ thế giới đi xuống trước kỳ nghỉ lễ ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Với việc các thị trường Mỹ và châu Âu cùng một số thị trường chủ chốt ở châu Á đóng cửa nghỉ lễ Phục Sinh vào phiên cuối tuần 18/4, thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua đã kết thúc sớm hơn một ngày, giống như các thị trường tài chính và tiền tệ khác.

Chi phối thị trường dầu mỏ trong tuần chủ yếu là tình hình căng thẳng địa chính trị tại Ukraine - địa bàn trung chuyển quan trọng nguồn cung dầu mỏ và khí đốt từ Nga sang châu Âu. Bất cứ một cuộc xung đột vũ trang nào tại đây cũng có thể dẫn đến sự ngưng trệ nguồn cung này, qua đó kéo giá dầu leo thang.

Căng thẳng tại Ukraine còn được đẩy lên cao hơn trong tuần khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15/4 lên tiếng cảnh báo Ukraine đang bên bờ vực nội chiến, sau khi Chính phủ tạm quyền Ukraine sử dụng quân đội uy hiếp những người biểu tình ly khai ở miền Đông nước này.

Những diễn biến bất ổn tại Đông Âu đã hỗ trợ cho giá dầu vào thời điểm trước phiên họp bốn bên giữa Ukraine, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Ngoài yếu tố Ukraine, chi phối thị trường dầu mỏ trong tuần còn là thông tin cho biết quốc gia sản xuất dầu mỏ quan trọng của châu Phi là Libya sẽ khôi phục lại hoạt động xuất khẩu dầu của nước này lần đầu tiên sau hơn tám tháng bị gián đoạn vừa qua.

Những số liệu kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là hai nhà tiêu thụ dầu thô và năng lượng hàng đầu - cũng tác động mạnh đến thị trường dầu mỏ.

Tại Trung Quốc, nhịp độ trưởng kinh tế trong quý 1/2014 dù chỉ đạt 7,4%, mức tăng chậm nhất kể từ quý 3/2012, song vẫn khả quan hơn so với mức dự báo 7,3% của các chuyên gia phân tích.

Và tuy thụt lùi so với mức tăng 7,7% của quý 4/2013, song con số này vẫn làm nguôi ngoai phần nào mối lo của nhà đầu tư về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, qua đó hỗ trợ cho giá dầu.

Còn tại Mỹ, một loạt số liệu kinh tế tích cực, như sản lượng công nghiệp trong tháng 3/2014 đã tăng với nhịp độ mạnh hơn tiên lượng, lượng người thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 11/4 cũng tăng thấp hơn dự kiến và đứng ở mức gần thấp nhất trong bảy năm qua, hoạt động chế tạo tại khu vực Philadelphia ở vùng duyên hải Trung-Atlantic trong tháng Tư tăng lên mức cao nhất tám tháng qua... đều là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế hàng đầu tế giới đang lấy lại đà tăng trưởng.

Một yếu tố nữa hậu thuẫn cho giá dầu là đồng USD yếu đi sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cho rằng Fed cần có một chính sách tiền tệ thích hợp, trong bối cảnh lạm phát vẫn thấp và nền kinh tế còn chưa tăng trưởng vững chắc.

Đóng cửa phiên 17/4, cũng là phiên giao dịch cuối cùng trong tuần trước kỳ nghỉ lễ Phục Sinh kéo dài, giá dầu biến động trái chiều, trong đó tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 5/2014 tăng 54 cent so với phiên trước lên 104,30 USD/thùng (thấp hơn mức chốt tuần trước nữa là 104,21 USD/thùng).

Trong khi đó tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2014 lại giảm 7 cent xuống 109,53 USD/thùng (cũng thấp hơn mức chốt tuần trước nữa là 107,78 USD/thùng).

Nhìn chung, tuy được hậu thuẫn khá nhiều từ những yếu tố chi phối nói trên, song thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua vẫn chủ yếu đi xuống, và chốt tuần, giá dầu ở cả hai hợp đồng chủ chốt vẫn thấp hơn so với mức chốt của một tuần trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục