Thực hư vụ Vsmart Live bị tố là điện thoại Meizu của Trung Quốc

Trong khi Meizu dùng hệ điều hành Flyme OS thì Vsmart dùng hệ điều hành VOS 2.0 do các kỹ sư Việt Nam phát triển. Meizu không tự sản xuất, còn toàn bộ quá trình sản xuất của Vsmart là nằm tại Hòa Lạc.
Thực hư vụ Vsmart Live bị tố là điện thoại Meizu của Trung Quốc ảnh 1 Cận cảnh 'nội thất' bên trong hai chiếc máy VSmart Live và Meizu 16Xs. (Ảnh chụp màn hình)

Ngày 14/8 vừa qua, một kênh YouTube có tên "my banh" đã đăng tải video với tựa đề “Mổ bụng VinSmart Live so sánh nội thất Meizu 16XS giống 100%.”

Theo đó, người dùng này đã tiến hành "mổ bụng" Vsmart Live và Meizu 16Xs và phát hiện ra hai mẫu máy này chia sẻ chung thiết kế phần cứng bên trong...

Đoạn video được chia sẻ lên nhiều group về công nghệ khiến cộng đồng mạng xôn xao khi nhiều ý kiến cho rằng khá bất ngờ về việc hai mẫu máy đến từ hai thương hiệu độc lập lại có ngoại hình giống nhau.

Vsmart Live là sở hữu trí tuệ của VinSmart

Meizu là thương hiệu di động Trung Quốc từ lâu đã có mặt tại Việt Nam, từng được giới công nghệ ví von là "Apple Trung Quốc" vì học hỏi Apple mọi thứ.

Trong khi đó Vsmart là thương hiệu smartphone Việt của Công ty cổ phần nghiên cứu và sản xuất VinSmart, trực thuộc tập đoàn Vingroup. Vsmart cho biết các sản phẩm của mình đều được sản xuất tại Việt Nam, cụ thể là tại nhà máy tại Cát Hải, Hải Phòng. Hồi giữa tháng 6, Vingroup tiếp tục khởi công một nhà máy sản xuất điện thoại thứ hai tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội).

Vụ việc giữa Vsmart và Meizu xảy ra giữa thời điểm vấn đề nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá đang được đẩy lên cao trào, đặc biệt là với các sản phẩm "Made in Vietnam."

Trả lời nghi vấn về việc Vsmart Live giống Meizu 16Xs, ông Nguyễn Minh Việt - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết bị di động – Công ty VinSmart cho hay thiết kế của Vsmart và Meizu tương đồng do cùng thuê một nhà thiết kế là IDH (Independent Design House – Nhà thiết kế độc lập).

Thực hư vụ Vsmart Live bị tố là điện thoại Meizu của Trung Quốc ảnh 2Ông Nguyễn Minh Việt - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết bị di động – Công ty VinSmart. (Ảnh: Vsmart)

"Thật ra câu chuyện này với dân trong ngành sẽ thấy không có gì đặc biệt. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi hợp tác với nhiều hãng ODM (Original Designed Manufacturer – Nhà thiết kế sản phẩm gốc) hàng đầu. Vsmart và hãng điện thoại khác cùng đầu tư chi phí nghiên cứu phát triển sản phẩm và đặt hàng ODM giỏi nhất thiết kế mẫu điện thoại mới. Đây là cách làm VinSmart lựa chọn trong trong giai đoạn đầu vì cho rằng hiệu quả nhất cho mục tiêu hiện tại, khi chúng tôi cần ra mắt rất nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời gian nhanh nhất. Chúng tôi đã hợp tác với BQ (Tây Ban Nha), Fujitsu (Nhật Bản) cũng theo cách làm này," ông Việt cho biết.

Đại diện VinSmart cũng khẳng định, ngoài hình thức ra thì 2 mẫu điện thoại này rất khác nhau, đặc biệt về linh hồn điện thoại là hệ điều hành.

Trong khi Meizu dùng hệ điều hành Flyme OS còn Vsmart dùng hệ điều hành VOS 2.0 do các kỹ sư Việt nam phát triển. Khác biệt lớn thứ hai là Meizu không tự sản xuất sản phẩm, còn toàn bộ quá trình sản xuất Vsmart được triển khai tại nhà máy với linh kiện được cung cấp bởi các nhà cung cấp hàng đầu như chip, bo mạch của Qualcomm, màn hình Amoled của Samsung…

"Nói một cách dễ hiểu thì việc này cũng tương tự như bạn xây nhà và thuê một ông kiến trúc sư để thiết kế concept tòa nhà và các thiết kế giống nhau là chuyện rất bình thường. Ở vòng sản phẩm lần này, chúng tôi tập trung vào yếu tố quan trọng nhất ở cái gốc, đó là hệ điều hành VOS do chúng tôi phát triển 100%. Đây là thứ không thể sao chép, hàm lượng chất xám Việt nằm toàn bộ trong đó," ông Việt chia sẻ.

Ông Việt cũng khẳng định, ngoài việc tương đồng về hình thức vì cùng chia sẻ một mẫu concept thiết kế, Vsmart Live và mẫu điện thoại trên khác nhau hoàn toàn về bản chất. Vsmart Live sử dụng bản vẽ concept đó, điều chỉnh các chi tiết mình cần, thiết kế hệ điều hành của máy và sản xuất tại nhà máy Vsmart với linh kiện được cung cấp bởi các nhà cung cấp hàng đầu như chip, bo mạch của Qualcomm, màn hình Amoled của Samsung… Phần “hồn” của Vsmart Live (hệ điều hành VOS 2.0, trải nghiệm người dùng, thuật toán camera…) do đội ngũ R&D của Vsmart tự phát triển 100%.

Hé lộ chiến lược táo bạo của VinSmart

Khi dư luận còn đang tranh cãi về nguồn gốc thiết kế của mẫu điện thoại Vsmart Live thì trong một động thái hoàn toàn bất ngờ, hãng điện thoại Việt hé lộ thông tin về sản phẩm tiếp theo do các kỹ sư của hãng thiết kế 100%.

Theo đại diện của hãng, đây sẽ là chiếc điện thoại thông minh đầu tiên của Việt Nam do người Việt thiết kế từ phần cứng, hệ điều hành và sản xuất trong nước. Đó sẽ là một cuộc cách mạng thực sự của ngành công nghiệp sản xuất điện thoại thông minh “Make in Vietnam.”

[Dòng điện thoại VSmart thế hệ 2 chính thức 'trình làng']

Theo kế hoạch, vào tháng 3/2020, Vsmart có thể tự thiết kế hoàn toàn tất cả các dòng điện thoại mà hãng sản xuất ra. Đây sẽ là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt của ngành công nghiệp sản xuất điện thoại thông minh của Việt Nam. Người Việt đã có thể làm chủ các công đoạn sản xuất, hoàn toàn sòng phẳng với các hãng điện thoại lớn trên thế giới.

"Trên thực tế, ngay thời điểm hiện tại, chúng tôi đã có sản phẩm điện thoại 100% do đội ngũ kỹ sư Việt Nam của Vsmart thiết kế rồi," ông Việt nói.

Đại diện Vsmart cũng cho hay, vào tháng 4/2020, công ty sẽ chính thức cung cấp dịch vụ trọn gói như một nhà thiết kế sản phẩm gốc (ODM) cho các hãng điện thoại trên thế giới. Dịch vụ của công ty sẽ từ thiết kế, sản xuất linh – phụ kiện cho tới sản xuất điện thoại hoàn chỉnh. Vsmart sẽ là hãng điện thoại Việt Nam đầu tiên làm được điều này. Hiện tại, Vsmart cũng đang tiến hành xây dựng 6 nhà máy linh kiện để có thể tăng tỉ lệ nội địa hóa các điện thoại của VinSmart lên mức trên 60% vào tháng 4/2020./.

Theo thống kê, chỉ 76% điện thoại thông minh bán ra trên toàn thế giới được thiết kế bởi chính công ty đó, 24% còn lại được đối tác bên thứ 3 thiết kế với tên gọi Independent Design House (IDH). Con số 76% này ngày càng giảm dần, cho thấy áp lực chi phí và thời gian ngày càng quan trọng trong ngành công nghiệp điện thoại vốn rất khắc nghiệt này. Lộ trình phát triển sản phẩm vốn kéo dài 1 năm thì nay bị rút gọn xuống còn 9 tháng, thậm chí thấp hơn nữa để tăng tính cạnh tranh.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục