Thưc trạng và viễn cảnh mới của nền kinh tế xã hội Cuba

Trong giai đoạn đầu đổi mới, Cuba cũng thực hiện nhiều biện pháp cải cách nền nông nghiệp, dần mở cửa cho khối kinh tế tư nhân, cho phép người dân kinh doanh.
Thưc trạng và viễn cảnh mới của nền kinh tế xã hội Cuba ảnh 1Các container hàng hóa tại cảng Mariel, Cuba. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 25/3, tại Hà Nội, Viện hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam phối hợp Đại sứ quán Cộng hòa Cuba tổ chức buổi tọa đàm “Cập nhật về mô hình kinh tế xã hội Cuba và những kịch bản mới."

Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, khẳng định Việt Nam và Cuba đã có mối quan hệ gắn bó bền chặt từ lâu. Trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, nhân dân Cuba đã nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam cả về tinh thần lẫn vật chất. Hiện nay, cả hai nước đang trong quá trình đổi mới vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Việt Nam đã tiến hành đổi mới từ năm 1986 của thế kỷ XX, trong khi Cuba mới tiến hành đổi mới từ năm 2011 nhưng kinh nghiệm của Cuba trong năm năm qua vẫn là những bài học bổ ích cho quá trình tiếp tục đổi mới của Việt Nam.

Ông Phạm Văn Đức cho biết, tọa đàm cũng chính là hoạt động mở đầu cho chương trình hợp tác giữa Viện hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam với Đại sứ quán Cuba trong tương lai.

Giáo sư-tiến sỹ Ruvislei Gonzalez Saez, diễn giả buổi tọa đàm, đã chia sẻ thông tin về mô hình kinh tế xã hội Cuba; tình hình trước những viễn cảnh mới và tình hình hiện tại của nền kinh tế Cuba.

Theo ông Ruvislei, hiện nay nền kinh tế Cuba vẫn chịu nhiều thiệt hại do bao vây kinh tế, cấm vận. Để chủ động khắc phục, trong giai đoạn từ 2007-2011, nước này đã giảm dần trợ cấp xã hội, ban hành luật nâng tuổi lao động nữ lên 60 và nam lên 65 nhằm đối phó với tỷ lệ già hóa dân số đang ngày càng gia tăng; cơ cấu lại bộ ngành trung ương.

Cũng giống Việt Nam trong giai đoạn đầu đổi mới, Cuba cũng thực hiện nhiều biện pháp cải cách nền nông nghiệp, dần mở cửa cho khối kinh tế tư nhân, cho phép người dân kinh doanh. Hiện nay, nhân dân Cuba đã có sự thay đổi trong tư duy và cách nghĩ là thừa nhận sự cần thiết khách quan về việc mở rộng mối quan hệ thương mại-tiền tệ.

Tuy vậy, cũng theo ông Ruvislei, Cuba cũng cần xóa bỏ hệ thống sử dụng hai đồng tiền hiện nay, đó là đồng peso nội địa và peso có khả năng chuyển đổi nhằm thay thế đồng ngoại tệ trong thời gian bị cấm vận. Đây có thể là cản trở rất lớn cho nền kinh tế của nước này.

Tại buổi tọa đàm, một số chuyên gia cũng đặt câu hỏi về vấn đề phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh đất nước Cuba còn khó khăn.

Về vấn đề này, ông Ruvislei cho biết, vấn đề phát triển con người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lãnh đạo đất nước Cuba từ nhiều năm nay. Nếu không có nguồn nhân lực tốt, Cuba không thể có ngành công nghệ sinh học xuất sắc như vậy. Hiện nay, nhiều vắcxin đã được phát minh từ những trung tâm nghiên cứu của Cuba.

Ông Ruvislei cho rằng, mặc dù còn nhiều thách thức song Cuba đang có hướng đi đúng đắn cho riêng mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục