Tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế để phù hợp Cộng đồng ASEAN

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu và cơ bản hoàn thành vào năm 2018, bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện, cải cách đối với các chính sách thuế nội địa.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế để phù hợp Cộng đồng ASEAN ảnh 1Sản xuất hàng điện tử xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 31/12/2015.

Việc hình thành AEC sẽ mang lại cả lợi ích và thách thức cho Việt Nam do phải cắt giảm hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu từ cộng đồng này về 0% vào năm 2018.

Để có cái nhìn rõ hơn về chính sách thuế trong AEC cũng như những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Vũ Như Thăng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Bộ Tài chính.

- Ông đánh giá như thế nào về mức độ tự do hóa về thuế quan trong ASEAN?

Tiến sỹ Vũ Như Thăng: Tự do hóa về thuế quan trong ASEAN được điều chỉnh bằng Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Đây là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết đã được thống nhất trong CEPT/AFTA.

Mức độ cắt giảm thuế quan trong AEC là sâu và rộng nhất so với các hiệp định thương mại tự do khác (0% đối với gần 98% số dòng thuế). Đây cũng là hiệp định có lộ trình cắt giảm được hoàn tất sớm nhất so với các hiệp định khác (năm 2018 là năm cuối lộ trình).

Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, ASEAN 6 đã thực hiện tự do hóa hoàn toàn thuế quan vào năm 2010. Tiếp đến, ASEAN 4 (CLMV) sẽ tự do hóa thuế quan về cơ bản vào năm 2018.


- Thưa ông, so với các nước trong khu vực, mức độ tự do hóa về thuế quan của Việt Nam như thế nào?

Tiến sỹ Vũ Như Thăng: Theo cam kết, mức độ tự do hóa thuế quan của Việt Nam sẽ đạt khoảng 97% vào năm 2018. Còn 3% số thuế còn lại Việt Nam được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan gồm các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm, các mặt hàng thuộc Danh mục loại trừ và CKD ( các dòng thuế ô tô chưa lắp ráp).

Việt Nam là một trong bốn nước ASEAN được phép thực hiện cam kết tự do hóa với lộ trình cuối cùng kéo dài đến 1/1/2018, chậm hơn tám năm so với các nước ASEAN 6. Như vậy, mức độ tự do hóa thuế quan của Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực nhưng lộ trình tự do hóa của ta được kéo dài hơn.


- Trong quá trình cải cách về chính sách thuế trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam gặp thách thức gì?

Tiến sỹ Vũ Như Thăng: Việc thành lập AEC và tầm nhìn AEC 2025 đòi hỏi các quốc gia thành viên phải hội nhập sâu rộng và toàn diện hơn trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Từ đó cũng đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, chính sách trong bối cảnh chênh lệch phát triển kinh tế và khác biệt về thể chế chính trị, năng lực quản lý hành chính giữa các nước thành viên.

Trong lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu và cơ bản hoàn thành vào năm 2018. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện, cải cách đối với các chính sách thuế nội địa như thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt... cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Đối với thị trường tài chính, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đàm phán các gói cam kết về dịch vụ tài chính để từng bước tự do hóa trong các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ triển khai có hiệu quả khung khổ pháp lý thừa nhận lẫn nhau về kế toán, kiểm toán.

- Theo cam kết trong ATIGA của ASEAN, một số mặt hàng nhạy cảm sẽ lùi thời hạn cho Việt Nam tới năm 2018. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành chức năng hiện vẫn chưa giúp được nhiều cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội mang lại trong quá trình thực hiện lộ trình cam kết trên. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Tiến sỹ Vũ Như Thăng: Như tôi đã đề cập ở trên, Việt Nam có một số mặt hàng được lùi thời hạn cắt giảm thuế về 0% đến năm 2018. Chính sách kéo dài thời hạn duy trì thuế này đã giúp những ngành sản xuất trong nước có thời gian thích nghi với lộ trình cắt giảm dần đều và có những điều chỉnh phù hợp.

Bộ Tài chính đang thực hiện các giải pháp về hoàn thiện chính sách thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Việc tận dụng cơ hội của hội nhập, theo tôi, ngoài sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, còn phụ thuộc phần lớn vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin từ hội nhập, có các chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp để nâng cao khả năng cạnh tranh với sản phẩm hàng hóa từ các nước ASEAN.

- Khi hàng rào thuế quan về 0%, Bộ Tài chính đã có những giải pháp gì để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam?


Tiến sỹ Vũ Như Thăng:
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế cần rất nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó thuế chỉ là một giải pháp.

Về thuế xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế xuất nhập khẩu, t ạo khung pháp lý đồng bộ trong việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Bộ Tài chính cũng đã quy định cụ thể về miễn thuế, xét miễn thuế, hoàn thuế, không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trong đó, tập trung ưu đãi đối với máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu quan trọng theo lĩnh vực hoặc địa bàn đầu tư cần ưu tiên phát triển, góp phần khuyến khích phát triển sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.

Về thuế nội địa, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ để trình Quốc hội bổ sung các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.

Về thủ tục hành chính thuế, hải quan, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia ASEAN, thực hiện chuẩn hóa và công bố công khai 859 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; tiếp tục sửa đổi, bãi bỏ thủ tục hành chính còn rườm rà hoặc không cần thiết.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2015-2016, qua đó cắt giảm được 420 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp, 97% các doanh nghiệp khai thuế qua mạng, 90% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế qua mạng.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về hoàn thiện chính sách thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục