Từ nhiều năm qua, quan hệ Pháp-Việt Nam đã trở nên hết sức đa dạng, sâu sắc và toàn diện.
Chuyến thăm Việt Nam từ ngày 18-21/3 tới của Chủ tịch Quốc hội Pháp Claude Bartolone sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược đã được hai nước ký kết vào tháng 9/2013. Đây là nhận định của ông Pascal Deguilhem, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt Nam của Quốc hội Pháp, người sẽ tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Pháp trong chuyến thăm sắp tới trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Paris.
Ông Deguilhem cho biết quan hệ hai nước Pháp và Việt Nam luôn tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực được thể hiện qua việc tăng cường trao đổi đoàn ở tất cả các cấp. Gần đây nhất, trong thời gian tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp quan trọng với tất cả các lãnh đạo cấp cao của Pháp tại Paris.
Chuyến thăm Việt Nam của đoàn đại biểu Quốc hội Pháp lần này tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ có tính lịch sử đó. Theo ông, hai nước có quan hệ hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế… Tuy nhiên, Pháp và Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại để các quan hệ này tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.
Ngoài ra, chuyến thăm này cũng là dịp để góp phần thúc đẩy quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giao thông, năng lượng và phát triển bền vững.
Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt Nam cũng cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Pháp lần này cũng là tiền đề để thúc đẩy chuyến thăm Việt Nam trong thời gian tới của Tổng thống Pháp François Hollande - một chuyến thăm được chờ đợi từ lâu.
Theo ông, Tổng thống Hollande cũng đã cam kết sẽ thăm Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình vào tháng 5/2017.
Sau chuyến thăm Việt Nam lần này, với tư cách là Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt Nam của Quốc hội, ông sẽ đề xuất với Tổng thống Pháp tiến hành chuyến thăm Việt Nam càng sớm càng tốt vì các lý do sau: Chuyến thăm sẽ tái khẳng định mối quan hệ lịch sử giữa Việt Nam và Pháp, tái khẳng định mối quan tâm của Pháp đối với một nước sử dụng tiếng Pháp là Việt Nam.
Ngoài ra, cả hai nước đều có mối quan tâm chung là tăng cường các quan hệ kinh tế. Nhìn từ Việt Nam, có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ mọi mặt với Pháp do Việt Nam liên tục đạt tỷ lệ tăng trưởng trên 6% trong những năm qua, Việt Nam cũng coi trong việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, đặc biệt là những nước ảnh hưởng trên trường quốc tế như Pháp. Còn Pháp hiện là nhà tài trợ song phương đứng đầu châu Âu và đứng thứ hai sau Nhật Bản ở Việt Nam về viện trợ phát triển.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, ông Pascal Deguilhem cho rằng các vụ xâm phạm chủ quyền Việt Nam là điều không thể chấp nhận được và không nên để kéo dài quá lâu tình trạng căng thẳng như vậy.
Theo ông, để giải quyết các căng thẳng không có cách nào khác là thông qua con đường ngoại giao và dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Ông cũng nhắc lại việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong khu vực thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5/2014.
Vào thời điểm đó, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt Nam đã sớm bày tỏ sự quan ngại và mong muốn các bên sớm đối thoại để tìm ra giải pháp hòa bình./.