Kim Shin Jo hiểu rõ vào lúc nào điệp vụ tối mật của ông thất bại, một tính toán sai lầm nghiêm trọng khiến nhóm biệt kích tinh nhuệ 31 người của CHDCND Triều Tiên được giao ám sát tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee 35 năm về trước không thể hoàn thành nhiệm vụ. “Nếu chúng tôi giết hết họ, lẽ ra đã không có báo động và tôi cho rằng chúng tôi đã có thể đạt được mục tiêu của mình,” Kim nói với AFP. “Họ” mà ông đề cập là bốn người dân làng ở Hàn Quốc mà nhóm biệt kích gặp ngày 19/1/1968, khoảng 36 giờ sau cuộc đột kích qua biên giới tham vọng nhất trong suốt sáu thập kỷ kể từ chiến tranh Triều Tiên 1950-53. Mục tiêu của nhóm biệt động là phủ tổng thống Hàn Quốc, Nhà Xanh tại Seoul, khi họ lên kế hoạch ám sát ông Park, người nắm quyền ở Hàn Quốc sau một cuộc đảo chính bảy năm trước đó. Bình Nhưỡng hy vọng việc ám sát ông Park sẽ dẫn tới một cuộc nổi dậy chống lại chính quyền và quân đội Mỹ đang đồn trú ở miền Nam. Nhóm biệt động đã cắt hàng rào dây kẽm gai ở khu phi quân sự được canh gác dày đặc chia đôi hai miền Triều Tiên không lâu trước nửa đêm ngày 17/1, ở một địa điệm cách một trạm gác của lính Mỹ chỉ 30 mét. Vụ xâm nhập diễn ra êm thấm và họ tiến nhanh về thủ đô Hàn Quốc khi bất ngờ gặp bốn nông dân đang trên đường đi lấy gỗ. Theo Kim, tranh luận đã nổ ra dữ dội về việc có sát hại những người này không. Vì lý do không bao giờ được giải thích, nhóm biệt động đã có một bài giảng ý thức hệ tại chỗ cho bốn người dân làng này rồi để họ đi với cảnh báo rằng họ không được báo động. Nhưng các nông dân đến thẳng đồn cảnh sát và chính phủ Hàn Quốc đã được báo động ngay lập tức. Nhóm biệt động vẫn vào được Nhà Xanh khoảng vài trăm mét trước khi bị lực lượng an ninh Hàn Quốc chặn lại. Một cuộc đọ súng quyết liệt nổ ra và nhóm biệt động buộc phải giải tán rồi bị tiêu diệt dần dần trong hàng loạt cuộc đụng độ sau đó khi các lực lượng an ninh Hàn Quốc càn quét tìm kiếm họ. Rốt cuộc, chỉ còn hai người trong nhóm biệt động sống sót. Kim bị bắt sống, một biệt động khác tìm được đường trở về Triều Tiên và sau này được phong tướng. Kim xuất hiện trước các ống quay truyền hình ngày 23/7 và không che đậy mục tiêu của mình: “Tôi tới đây để cắt cổ họng Park Chung Hee.” Bốn mươi lăm năm sau đó, Kim hiện làm việc ở một nhà thờ Tin lành tại ngoại ô Seoul và vào tháng Hai, ông đã chứng kiến con gái của ông Park, bà Park Geun Hye, tuyên thệ nhậm chức tổng thống, tổng thống nữ đầu tiên của Hàn Quốc. Sau khi bị bắt, Kim bị thẩm vấn khoảng một năm rồi được thả ra, một phần bởi ông chưa bao giờ nổ súng. Ông sau đó lên tiếng chỉ trích Triều Tiên, lấy một phụ nữ Hàn Quốc, cải đạo và cuối cùng trở thành một mục sư.
Ảnh chụp cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee và vợ năm 1999 ở Seoul (Ảnh tư liệu: AFP)
Ông Park Chung Hee rốt cuộc bị ám sát năm 1979, nhưng là do chính người đứng đầu cơ quan an ninh của ông. Trong nhiều năm, ngọn núi nhỏ đằng sau Nhà Xanh, Bukaksan, nơi các cuộc đọ súng diễn ra, vẫn là địa điểm cấm với công chúng. Địa điểm này chỉ mở lại năm 2007 và hiện là một khu du lịch leo núi rất hút khách, dù những người tới đây đi nghỉ đều phải kiểm tra an ninh. Gần đỉnh núi có một tượng đài tưởng niệm tự nhiên vụ đột kích năm 1968, một cây tùng đầy vết đạn./.
Trần Trọng (Vietnam+)