Tìm giải pháp tài chính cho các hãng hàng không Việt Nam

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề xuất Chính phủ hỗ trợ áp dụng “hộ chiếu vaccine," nới lỏng quy định về đi lại, cách ly với người đã tiêm đủ liều vaccine, sớm khai thác lại các đường bay.
Tìm giải pháp tài chính cho các hãng hàng không Việt Nam ảnh 1Máy bay của Vietnam Airlines. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Trước tác động của dịch COVID-19, cũng giống như nhiều nước trên thế giới, ngành hàng không Việt Nam đang phải trải qua thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Sau gần hai năm hoạt động cầm chừng, các hãng bay đều cạn kiệt dòng tiền dẫn đến nguy cơ không có khả năng chi trả các khoản chi phí và phải ngừng hoạt động. Vì vậy, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo nguồn lực phát triển đang là vấn đề hết sức cấp thiết đối với các hãng hàng không Việt Nam.

Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến "Giải pháp cấp bách về vốn: Giữ cánh hàng không Việt," do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 2/8, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, trước đại dịch COVID-19 ngành hàng không Việt Nam đã phát triển vượt bậc, tạo điều kiện thông thương trong nước và quốc tế. Đóng góp vào sự phát triển của ngành không chỉ có Vietnam Airlines mà còn phải kể tới các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways... Sự xuất hiện của các hãng hàng không tư nhân đã thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường hàng không và người hưởng lợi cuối cùng là người dân.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng các đợt dịch liên tiếp từ đầu năm 2020 đến nay là thử thách cho các doanh nghiệp; trong đó các doanh nghiệp ngành hàng không đã hứng chịu những tác động nặng nề nhất và nghiêm trọng nhất.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ cũng đã có những giải pháp quyết liệt để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch. Tuy nhiên làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đang diễn ra với diễn biến hết sức phức tạp, lan rộng trên 50 tỉnh, thành phố. Nhiều tỉnh đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ khiến ngành hàng không đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Đánh giá về khó khăn trong tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp hàng không, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, đến nay mới chỉ có Vietnam Airlines nhận được gói cứu trợ dạng vay ưu đãi, trong khi các doanh nghiệp hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways… vẫn đang phải đối mặt với vấn đề vốn và hầu hết các ngân hàng đều “lắc đầu."

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng hiện các hãng hàng không đều dừng hoạt động hoặc hoạt động không đáng kể, không có doanh thu, doanh thu thu hẹp hoặc kinh doanh thua lỗ, phương án sản xuất kinh doanh chắc chắn không đảm bảo hiệu quả, nên không đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng.

Trước những khó khăn, thách thức các doanh nghiệp hàng không đang đối mặt, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, cho biết hiệp hội đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ một số giải pháp như áp dụng “hộ chiếu vaccine," nới lỏng quy định về đi lại, cách ly với những người đã tiêm đủ liều vaccine, có kế hoạch sớm khai thác trở lại các đường bay quốc tế.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng cho các hãng hàng không tư nhân Vietjet Air, Bamboo Airways. Thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần...

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép giảm thuế bảo vệ môi trường, áp dụng mức giảm 70% cho các hãng hàng không đến ngày 30/6/2022. Bên cạnh đó, Nhà nước nên tiếp tục giảm giá, phí dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phục vụ ngành hàng không từ nay đến hết năm 2022," ông Bùi Doãn Nề nói.

[Vietnam Airlines sẽ nỗ lực gấp hai, ba lần để vượt qua khủng hoảng]

Ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV đề xuất, cần xác định việc hỗ trợ ngành hàng không vượt qua khủng hoảng COVID-19 là trường hợp khách quan, bất khả kháng, để từ đó áp dụng các chính sách, biện pháp vừa linh hoạt, đúng quy định pháp luật, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp trong ngành.

“Chính phủ xem xét, có phương án hỗ trợ phù hợp, khả thi đối với các hãng hàng không tư nhân (cho vay hỗ trợ lãi suất khoảng 3-4%/năm so với vay thương mại), thời hạn vay vốn từ 1-2 năm. Đồng thời giảm một số thuế, phí phù hợp ngoài các hỗ trợ đang thực hiện," ông Cấn Văn Lực chia sẻ.

Tìm giải pháp tài chính cho các hãng hàng không Việt Nam ảnh 2Chuyến bay của Vietjet Air đón 240 người dân từ thành phố Hồ Chí Minh trở về Thừa Thiên- Huế. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Góp ý thêm giải pháp "giải cứu" ngành hàng không, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam. Theo đó, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cần phải tổng hợp, đánh giá đúng sự cần thiết, cũng như vai trò vị trí hết sức quan trọng của ngành hàng không... để thấy được ngành hàng không xứng đáng nhận sự hỗ trợ này.

“Để giải cứu ngành hàng không, chắc chắn cần giải pháp mạnh, tạo hành lang pháp lý, chẳng hạn như một Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Mặt khác những giải pháp đã đề ra trước đó cũng cần phải rút ngắn thủ tục để triển khai nhanh, khi đó mới phát huy tác dụng," ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết: "Ngành ngân hàng không thiếu vốn. Các tổ chức tín dụng cũng đang cho vay theo đúng quy định và việc cho vay vẫn phải có tài sản bảo đảm. Vấn đề ở đây là cơ chế. Làm sao tạo ra cơ chế để cho các doanh nghiệp hàng không tiếp cận được với các ngân hàng, từ đó các ngân hàng có thể giải quyết cho vay theo đúng quy định. Có như vậy, mới có thể tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không đang gặp phải, đặc biệt với các hãng hàng không tư nhân."

Chia sẻ về những tác động tiêu cực của đại dịch với ngành hàng không, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho biết, dịch bệnh khiến doanh thu ngành hàng không giảm sút nghiêm trọng: 80-90% máy bay của ngành nằm tại sân bay trong mùa cao điểm; doanh thu của ngành chỉ đạt 10-20%; vận chuyển hành khách năm 2020 giảm gần 50% so với năm 2019; điều hành bay sáu tháng đầu năm nay giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2020; vận chuyển chỉ đạt 13,5 triệu hành khách, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái... Không chỉ vậy, đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ dịch vụ vận tải của các hãng hàng không.

Còn theo ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đại dịch COVID-19 đang rất khốc liệt và bào mòn sức khỏe của ngành hàng không. Với diễn biến của dịch bệnh hiện nay, rất khó đoán định khi nào đại dịch sẽ kết thúc. Do đó, khó khăn vẫn lơ lửng trên đầu doanh nghiệp.

“Ngành hàng không đang là những con bệnh cần trợ thở. Nếu không được hỗ trợ, các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, thậm chí dẫn đến tình trạng kiệt quệ tài chính. Nếu không được xử lý sẽ tạo ra chi phí tái cấu trúc nặng nề cho ngành hàng không trong tương lai," ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo đánh giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục