Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Lễ hội Tây Thiên từ ngày 15-17/2 Âm lịch hằng năm để tưởng nhớ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, chính Vương phi của Hùng Chiêu vương - người có công lớn giúp vua Hùng mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa nước.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 1Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trao quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, huyện Tam Đảo là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia cho huyện Tam Đảo. (Nguồn: vinhphuc.gov.vn)

Ngày 8/3, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Lễ công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, huyện Tam Đảo là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Trên cơ sở các công trình nghiên cứu và sau khi có ý kiến thống nhất của Hội đồng Di sản Quốc gia, ngày 14/1/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 176 về việc công bố danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, trong đó có Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Như vậy, cùng với Tín ngưỡng thờ Hùng Vương, Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên là một trong ba tín ngưỡng cổ nhất vùng Bắc Bộ.

Năm 1763, từ điển bộ Lễ của nhà Lê Trung hưng đã ghi rõ các di tích thờ cúng Quốc Mẫu Tây Thiên. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên không chỉ là tín ngưỡng của một địa phương, của một vùng mà là tín ngưỡng mang tính quốc gia; đồng thời là biểu tưởng văn hóa của tỉnh Vĩnh Phúc, là di sản mang giá trị về lịch sử, văn hóa, về truyền thống yêu nước các dân tộc đoàn kết chống giặc ngoại xâm.

Tự hào, phấn khởi khi Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc càng thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đảo Đinh Văn Mười nhấn mạnh để tập quán xã hội và tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên được gìn giữ và phát huy, thời gian tới, huyện Tam Đảo tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Mẫu Tây Thiên, tập quán xã hội và tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên đến du khách, nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế; xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo tồn, giữ gìn và phát huy có hiệu quả tập quán xã hội và Tín ngưỡng thờ Mẫu.

Lễ hội Tây Thiên được tổ chức từ ngày 15-17/2 Âm lịch hằng năm để tưởng nhớ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, chính Vương phi của Hùng Chiêu vương - người đã có công lớn trong việc giúp vua Hùng mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa nước, chiêu mộ quân sỹ, củng cố vương triều.

Di tích thờ bà tại thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt từ tháng 12/2015.

[Tín ngưỡng thờ Mẫu - Điểm hẹn tâm linh của người Việt]

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần.

Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân.

Theo thư tịch và huyền thoại, bà là tiên nữ giáng trần, làm người rồi quy y Phật giáo, được tôn vinh làm “Mẫu Nghi thiên hạ.”

Từ thế kỷ 16, tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và trong tâm thức người dân, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống con người.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương trong cả nước như Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu.

Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng và lễ hội, thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan điểm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người.

Sức mạnh và ý nghĩa của thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người như cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu làm ăn phát đạt.

Việc Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của Nhân loại năm 2016 đã khẳng định những giá trị to lớn của di sản này, đồng thời góp phần làm phong phú thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục