Tình báo Mỹ theo dõi thư điện tử của nhiều nhà hoạt động Hồi giáo

Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã theo dõi thư điện tử của nhiều người theo đạo Hồi mang quốc tịch Mỹ.
Tình báo Mỹ theo dõi thư điện tử của nhiều nhà hoạt động Hồi giáo ảnh 1(Nguồn: sfgate.com)

Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã theo dõi thư điện tử của nhiều người theo đạo Hồi mang quốc tịch Mỹ. Đây là tiết lộ mới nhất liên quan đến vụ bê bối do thám đình đám trong lịch sử tình báo Mỹ được trang tin điện tử The Intercept công bố ngày 9/7.

Dựa trên các tài liệu do cựu nhân viên Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden cung cấp, The Intercept tiết lộ FBI và NSA đã do thám 7.485 thư điện tử của các nhà lãnh đạo, học giả và chính trị gia Hồi giáo mang quốc tịch Mỹ trong giai đoạn 2002-2008.

Thông qua các địa chỉ thư điện tử, The Intercept đã xác định danh tính của ít nhất 5 công dân Mỹ theo đạo Hồi nằm trong tầm ngắm do thám của 2 cơ quan trên, trong đó có nghị sĩ đảng Cộng hòa Faisal Gill, luật sư Asim Ghafoor từng bào chữa trong các vụ kiện liên quan đến chủ nghĩa khủng bố; Giáo sư Hooshang Amirahmadi người Mỹ gốc Iran làm việc tại trường Đại học Rutgers, nhà hoạt động dân sự Agha Saeed và Giám đốc điều hành Hội đồng về quan hệ Mỹ - Hồi giáo Nihad Awad.

Điều tra của The Intercept cũng cho thấy nhiều thư điện tử có thể thuộc về những đối tượng bị chính quyền Mỹ nghi ngờ có liên quan đến mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. Ngoài ra, Washington cũng tiến hành theo dõi thư điện tử của một số công dân theo lệnh của tòa án tình báo bí mật dựa trên những bằng chứng cho thấy các đối tượng này có thể có dính líu đến các hoạt động tình báo và khủng bố.

Trong phản ứng đầu tiên, Bộ Tư pháp Mỹ và Văn phòng giám đốc tình báo quốc gia đã ra tuyên bố chung khẳng định hoạt động giám sát này là hợp pháp nhằm thu thập các thông tin tình báo phục vụ công tác phản gián.

Tuyên bố nêu rõ chính phủ Mỹ không tiến hành theo dõi thư điện tử của các nhân vật chính trị hay tôn giáo chỉ bởi vì họ chỉ trích chính phủ hay bất đồng quan điểm với các chính sách công. Theo 2 cơ quan trên, mọi quyết định của tòa án về việc theo dõi công dân Mỹ đều dựa trên những bằng chứng cho thấy những đối tượng này có thể là nhân viên tình báo nước ngoài, phần tử khủng bố hay gián điệp cho một tổ chức nước ngoài.

Những giải thích của giới chức Mỹ không thể xoa dịu làn sóng phẫn nộ của các cá nhân, tổ chức và các nhóm người Mỹ theo đạo Hồi sau khi thông tin trên được tiết lộ. Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Giám đốc điều hành Awad - một trong những "mục tiêu" do thám của FBI và NSA - đã chỉ trích hành động do thám trên, cho rằng việc làm này được tiến hành dựa trên những tuyên bố chưa được kiểm chứng về quan hệ của đối tượng bị tình nghi với các tổ chức khủng bố.

Tổ chức Luật sư Hồi giáo thì nhấn mạnh hành động của Washington khiến những người Mỹ theo đạo Hồi lo ngại khi chính phủ liên bang theo dõi cả những công dân phục vụ trong quân đội và chính phủ chỉ vì tôn giáo của họ.

Một số tổ chức nhân quyền cũng đã gửi thư tới Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu chính phủ giải thích công khai cơ sở cho việc tiến hành các hoạt động do thám trên.

Trước đó, ngày 6/7, tờ The Washington Post cũng dẫn các tài liệu do Snowden cung cấp cho hay đa số mục tiêu theo dõi của NSA là dân thường, chứ không phải các mục tiêu tình báo nước ngoài như cơ quan này biện minh trước đó. Cụ thể, trong các cuộc thoại trực tuyến do NSA thu thập có tới 2/3 là cuộc thoại của những người sử dụng Internet thông thường. Gần 50% trong số này là công dân Mỹ hoặc người định cư tại Mỹ.

Điều đó có nghĩa nhiều người nước ngoài cũng đã trở thành mục tiêu do thám của NSA, cơ quan đang trở thành tâm điểm "đeo bám" của truyền thông Mỹ cho dù đã nhận được sự ủng hộ của Ủy ban giám sát quyền riêng tư và tự do công dân về chương trình do thám gây tranh cãi được tiến hành nhiều năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục