Tổng Bí thư dự Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt-Hungary

Tổng Bí thư khẳng định: Việt Nam sẽ luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi và tích cực hỗ trợ các trường đại học hai nước triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác trong tương lai.
Tổng Bí thư dự Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt-Hungary ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự Hội nghị Hiệu trưởng các trường Đại học Việt Nam-Hungary lần thứ hai. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Sáng 11/9, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary, tại thủ đô Budapest, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam-Hungary lần thứ hai.

Phó Thủ tướng Hungary Mihály Varga phát biểu chào mừng, đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam-Hungary lần thứ hai này.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Hungary và Việt Nam là hai vùng miền của thế giới, Hungary khâm phục những thành quả Việt Nam đã đạt được, là đầu cầu quan trọng của Hungary ở Đông Nam Á.

Giao lưu hàng hóa hai nước tăng trưởng mạnh từ năm 2017 và tiếp tục tăng trong nửa đầu 2018, đồng thời mở rộng trong các lĩnh vực khác như y tế, năng lượng tái tạo, môi trường…

Hungary là quốc gia ở Trung Đông Âu đang đứng trước triển vọng tăng trưởng lớn, trở thành động cơ tăng trưởng kinh tế của châu Âu và điều này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Về hợp tác giáo dục đào tạo, hiện đã có hơn 3.000 người Việt Nam tốt nghiệp đại học ở Hungary và trong giai đoạn 2019-2021 Hungary bảo đảm mỗi năm có số lượng học bổng lớn hơn cho sinh viên Việt Nam.

Việc mở rộng quan hệ hợp tác sẽ tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế của hai bên. Quan hệ giữa hai nước đang ngày càng phát triển, tăng cường tin cậy, tạo nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, giáo dục giữa hai bên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam-Hungary là một cơ chế hợp tác quan trọng và rất thiết thực giữa các đồng nghiệp trong ngành giáo dục và đào tạo hai nước.

Giáo dục và đào tạo luôn có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ như ngày nay.

Đối với Việt Nam, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người."

[Tổng Bí thư: Việt Nam-Hungary mãi mãi là bạn, là đồng chí của nhau]

Thực hiện di huấn đó của Người, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn coi giáo dục-đào tạo là quốc sách hàng đầu và dành nhiều sự quan tâm cũng như nguồn lực để phát triển sự nghiệp quan trọng này.

Đến nay, mặc dù còn nhiều việc phải làm, nhưng trên thực tế, giáo dục Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống giáo dục quốc dân được hoàn thiện hơn; quy mô giáo dục ngày càng tăng nhanh, nhất là bậc đại học và đào tạo nghề nghiệp; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên rõ rệt; cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng và bình đẳng đối với mọi công dân.

Từ năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học.

Đến tháng 12/2010, tất cả các tỉnh, thành phố của Việt Nam đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ phát triển là một trong những “đột phá chiến lược” của Việt Nam.

Trước yêu cầu đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tình hình mới, Việt Nam đang tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa” và hội nhập quốc tế.

Việt Nam coi đây là khâu then chốt trong hệ thống giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phấn đấu trong tương lai gần có một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Để thực hiện thành công chiến lược và mục tiêu nhất quán này, cùng với những cố gắng, nỗ lực phát huy tối đa nguồn lực trong nước, Việt Nam luôn coi trọng và tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo, tranh thủ tối đa sự hợp tác, ủng hộ của các quốc gia và cộng đồng quốc tế, trong đó có Hungary.

Trải qua gần 70 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hungary không ngừng phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo.

Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hungary trên lĩnh vực giáo dục-đào tạo không ngừng được củng cố, phát triển, đi vào trọng tâm và đạt được nhiều kết quả trên tất cả các mặt. Việt Nam đặc biệt đánh giá cao và cảm ơn Chính phủ Hungary đã dành 200 suất học bổng mỗi năm cho sinh viên Việt Nam trong các ngành học ở tất cả các trình độ đào tạo mà Hungary có thế mạnh.

Tổng Bí thư cho biết tại buổi hội đàm với Thủ tướng Viktor Orban đã kiến nghị cần nỗ lực để sử dụng hết 200 suất học bổng này; cần dành thêm các suất học bổng cho học sinh Việt Nam theo học tại các ngành văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ, văn học Hungary, kể cả các chuyên ngành khác cũng nên khuyến khích, ưu tiên học bằng ngôn ngữ Hungary để trong tương lai không xa sẽ có một đội ngũ chuyên gia hiểu biết sâu sắc văn hóa, tri thức Hungary, đóng góp tích cực cho quan hệ hợp tác giữa hai nước, kế thừa và phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam-Hungary.

Tổng Bí thư đánh giá cao sự phối hợp của hai bộ chức năng của hai nước trong việc tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam và Hungary lần thứ hai, với mục đích phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các trường đại học của cả hai nước, góp phần cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các văn kiện hợp tác đã được ký kết giữa hai bên.

Tổng Bí thư dự Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt-Hungary ảnh 2Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên khai mạc Hội nghị Hiệu trưởng các trường Đại học Việt Nam-Hungary lần thứ hai. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tổng Bí thư khẳng định: Việt Nam sẽ luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi và tích cực hỗ trợ các trường đại học hai nước triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác trong tương lai.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, giáo sư Tiến sỹ Phùng Xuân Nhạ cho biết, Hội nghị Hiệu trưởng các trường đai học Việt Nam-Hungary lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2014 với sự tham gia của 50 trường đại học Việt Nam và 15 trường đại học Hungary nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hungary János Áder.

Tiếp nối thành công của Hội nghị lần thứ nhất, Hội nghị Hiệu trưởng Việt Nam-Hungary lần thứ hai được tổ chức tại Budapest nhân chuyến thăm Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với hơn 30 trường đại học của Việt Nam và 20 trường đại học của Hungary nhằm tiếp tục mở rộng các mối quan hệ, thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa các trường đại học của hai nước, góp phần cụ thể hóa và triển khai hiệu quả hơn nữa các cam kết hợp tác về giáo dục-đào tạo đã được ký kết giữa hai nước.

Việc có tới 15 văn bản hợp tác sẽ được ký kết giữa các trường đại học Việt Nam và Hungary ngay tại Hội nghị lần này so với 2 văn bản được ký kết tại Hội nghị lần trước là minh chứng cho thấysự quan tâm của các trường đại học trong việc khai thác tiềm năng và cơ hội hợp tác về giáo dục-đào tạo giữa hai nước.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo chính là cầu nối quan trọng góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác lâu bền giữa hai quốc gia, làm sâu sắc thêm tình đoàn kết giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước.

Bộ trưởng hy vọng và tin tưởng rằng những ý tưởng, đề xuất và cam kết giữa các trường đại học tại Hội nghị này được triển khai thực hiện, sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác về giáo dục-đào tạo giữa Hungary và Việt Nam-phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Kết quả của Hội nghị sẽ là động lực, là dấu ấn quan trọng trong quá trình hợp tác giữa hai quốc gia về giáo dục-đào tạo.

Quốc vụ khanh Bộ Nguồn nhân lực Hungary, Giáo sư Tiến sỹ József Bosdis kể lại những kỷ niệm sâu sắc, sự ấn tượng, trân trọng của cá nhân ông về đức tính siêng năng, cần cù, ham học hỏi của sinh viên Việt Nam và con người Việt Nam nói chung.

Hơn 3.000 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp Đại học ở Hungary là những đại sứ tốt nhất cho sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo giữa hai nước ngày nay.

Tổng Bí thư dự Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt-Hungary ảnh 3Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Lần đầu tiên sang Việt Nam nhân Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Hungary-Việt Nam lần thứ nhất, ông giữ mãi những ấn tượng tốt đẹp về con người, sự phát triển năng động của Việt Nam, sự chuyên nghiệp của các trường Đại học ở Việt Nam.

Ông cho biết, Hungary chú trọng các lĩnh vực khoa học thông tin, kỹ thuật, khoa học nông nghiệp, đào tạo sư phạm. Các trường đại học của Hungary còn là những trung tâm nghiên cứu khoa học-động cơ cho sự phát triển đất nước.

Ngày nay, thiếu hiểu biết về thông tin là "mù chữ hiện đại," sự đòi hỏi về chuyên môn ngày càng cao hơn so với trước đây. Chính vì vậy, hợp tác giáo dục hiệu quả chính là nền tảng của tương lai.

Hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Hungary là điểm sáng trong mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Trong gần 70 năm qua, Hungary đã giúp đào tạo cho Việt Nam hơn 3.000 lưu học sinh, trong đó nhiều người đã và đang giữ vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý nhà nước, trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa, nghệ thuật, kinh doanh.

Thời gian gần đây, số lượng học bổng của Chính phủ Hungary cấp cho công dân Việt Nam đã tăng mạnh, từ 5 suất năm 2012 lên 100 suất năm 2016 và nay là 200 suất/năm.

Hiện có gần 500 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Hungary, trong đó có khoảng 50% lưu học sinh đi học theo diện học bổng Hiệp định giữa hai Chính phủ.

Bên cạnh đó, có cũng có một số lưu học sinh Hungary sang thực tập ngắn hạn, học tiếng Việt tại các trường đại học của Việt Nam.

Tại Hội nghị, Hiệu trưởng các trường đại học của hai nước tập trung trao đổi, thảo luận về khả năng hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học; trong đó tập trung vào một số nội dung tăng cường các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học của Hungary và các trường đại học của Việt Nam.

Các hiệu trưởng cũng trao đổi và thảo luận về đẩy mạnh trao đổi sinh viên và giảng viên; hình thành các nhóm nghiên cứu quốc tế; cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác đã ký bằng các kế hoạch chi tiết đảm bảo tính thiết thực, khả thi và hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục