Tổng hợp tình hình căng thẳng tại Thái Lan trong ngày 27/11

Bà Yingluck tuyên bố chính phủ sẵn sàng đối thoại với người biểu tình nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị.

Ngày 27/11, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tuyên bố chính phủ sẵn sàng đối thoại với những người biểu tình nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại nước này.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới trước khi tham dự ngày thứ hai của cuộc tranh luận bất tín nhiệm tại Hạ viện, bà Yingluck nêu rõ: "Chính phủ Thái Lan để ngỏ cánh cửa đối thoại. Bất cứ điều gì tốt cho đa số, chúng tôi sẵn sàng hợp tác." Bà kêu gọi tất cả các bên cùng ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị mà theo bà là nguyên nhân đang gây phương hại nền kinh tế Thái Lan.

Thủ tướng Yingluck cho biết thêm bất chấp việc thực thi Luật An ninh Nội địa (ISA) tại tất cả các quận ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận, Chính phủ Thái Lan vẫn ủng hộ các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình đang bao vây hoặc chiếm giữ các trụ sở chính quyền.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình rầm rộ đã lan ra ngoài thủ đô Bangkok khi phe đối lập quyết tâm lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck, đẩy Thái Lan lún sâu vào khủng hoảng. Những người biểu tình đã tập trung ở khoảng 25 trụ sở chủ yếu ở các tỉnh miền Nam của phe đối lập, trong đó có đảo Phuket.

Phát biểu với các phóng viên, thủ lĩnh lực lượng biểu tình Suthep Thuagsuban tuyên bố các cuộc biểu tình sẽ được tiếp tục cho đến khi quyền lực nằm trong tay người dân.

Trước đó, tối 26/11, ông Suthep Thuagsuban đã kêu gọi người biểu tình chiếm giữ thêm các cơ quan chính quyền, các bộ và tòa thị chính trên khắp cả nước để công chức và viên chức phải nghỉ việc và chính phủ sẽ ngừng hoạt động.

Trong hai ngày qua, các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Bangkok bỗng trở nên rầm rộ và được đánh giá là có quy mô nhất kể từ năm 2010, khi Thái Lan bị cuốn vào những cuộc biểu tình bạo lực của phe áo đỏ, khiến hơn 90 người thiệt mạng. Những người biểu tình đã xông vào chiếm giữ nhiều trụ sở cơ quan nhà nước, cắt điện nước, đồng thời kêu gọi các viên chức, công chức nghỉ việc để làm tê liệt hoàn toàn bộ máy chính quyền.

Mặc dù các cuộc biểu tình đến nay phần lớn diễn ra trong hòa bình, nhưng cũng xuất hiện lo ngại cho rằng những cuộc biểu tình này có thể biến thành bạo lực đường phố tại Thái Lan, nước đã từng chứng kiến vài cuộc khủng hoảng chính trị kể từ khi cựu Thủ tướng Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục