Trước làn sóng phản đối và tâm trạng hoài nghi ngày càng gia tăng của các nhà lập pháp về thỏa thuận mới đạt được gần đây liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran, ngày 5/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa lên tiếng cảnh báo về các nguy cơ nếu Quốc hội bác bỏ thỏa thuận.
Trong bài phát biểu tại trường Đại học Mỹ (American University) ở thủ đô Washington, Tổng thống Obama đã cảnh báo rằng nếu Quốc hội Mỹ bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận ký ngày 14/7 vừa qua giữa Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) với Iran thì việc đó sẽ càng đẩy nhanh tham vọng chế tạo một quả bom hạt nhân của Tehran.
Theo người đứng đầu Nhà Trắng, Iran sẽ có năng lực hơn trong việc chế tạo bom hạt nhân nếu thỏa thuận bị ngăn chặn và một giải pháp quân sự đi theo nó sẽ chỉ buộc quốc gia Hồi giáo này phải đẩy mạnh phát triển các cơ sở hạt nhân ngầm dưới đất hoặc bên trong các quả núi.
Tổng thống Obama phản pháo các ý kiến chỉ trích, chủ yếu từ các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa, khẳng định các ý kiến đó chỉ mang tính đấu đá đảng phái nhằm phát tán các mối lo ngại giả xung quanh thỏa thuận này.
Ngoài nguy cơ có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh Trung Đông mới, ông Obama còn khẳng định việc bác bỏ thỏa thuận sẽ làm tổn hại uy tín của Mỹ với thế giới, nhất là với các cường quốc đã cùng tham gia nỗ lực ngoại giao “có nguyên tắc và mạnh mẽ” trong nhiều năm qua để đạt được một thỏa thuận kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran.
Bài phát biểu ngày 5/8 của Tổng thống Obama là sự mở đầu cho một chiến dịch mới, mạnh mẽ hơn của Nhà Trắng nhằm bảo vệ thỏa thuận được nhìn nhận là “mang tính lịch sử.” Chiến dịch này được khởi động trong bối cảnh Quốc hội Mỹ, trong tháng tới, sau kỳ nghỉ kéo dài một tháng, sẽ tiến hành bỏ phiếu về thỏa thuận hạt nhân của Iran.
Trước đó, phát biểu trong cuộc gặp với hàng chục nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Do Thái, Tổng thống Obama cảnh báo tên lửa của Iran sẽ trút xuống Tel Aviv nếu thỏa thuận hạt nhân với Iran bị bác bỏ và một giải pháp quân sự có thể phải sử dụng để ngăn chặn Tehran chế tạo bom hạt nhân.
Bất chấp lời cảnh báo của Tổng thống Obama, các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Hạ viện cho biết vào tháng Chín tới, khi Quốc hội nhóm họp trở lại, vấn đề hạt nhân của Iran sẽ là một chủ đề được ưu tiên, tại đó dự báo sẽ có một cuộc “so gươm” quyết liệt giữa Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát với chính quyền.
Theo các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa, cho tới nay họ đã nhận được sự cam kết của 218 nghị sỹ Hạ viện phản đối thỏa thuận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tập hợp được đủ 2/3 số phiếu, cả ở Thượng viện và Hạ viện, để bác lại quyền phủ quyết của Tổng thống Obama là một thách thức không nhỏ đối với các nhà lập pháp Cộng hòa.
Tuy cảnh báo Quốc hội về các nguy cơ trên, Tổng thống Obama cũng thừa nhận khả năng Iran có thể lợi dụng khoản tiền do việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để tài trợ cho các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng mạnh mẽ bảo vệ thỏa thuận ngày 14/7 tới mức cho rằng thà chấp nhận khả năng này còn hơn để Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.
Ông tuyên bố nếu Iran tìm cách lừa dối cộng đồng quốc tế để tiếp tục theo đuổi việc phát triển vũ khí hạt nhân thì nước này sẽ bị chặn đứng ngay lập tức.
Liên quan tới thỏa thuận này, cùng ngày, phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, ông Adam Szubin, quyền Thứ trưởng Tài chính phụ trách tội phạm khủng bố và tình báo tài chính, cam kết Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao sự hỗ trợ của Iran cho các nhóm khủng bố cho dù Tehran và Nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận hạt nhân, qua đó dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Ông Szubin cho biết Iran cần ít nhất 6 tháng để hoàn thành các điều kiện cần thiết cho đợt dỡ bỏ trừng phạt đầu tiên. Ông cảnh báo nếu Iran vi phạm các cam kết trong thỏa thuận, dù không phải là lớn, Mỹ cũng sẽ lập tức tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chỉ trong ít ngày.
Trong một diễn biến liên quan, phát biểu với báo giới tại Washington ngày 5/8, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ông Yukiya Amano cho biết trong cuộc gặp cùng ngày với các thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông đã thông báo với các nhà lập pháp Mỹ rằng ông có trách nhiệm pháp lý giữ bí mật các văn bản của IAEA, do vậy sẽ không thể trao cho Quốc hội Mỹ bản sao của thỏa thuận riêng về giám sát và thanh tra giữa IAEA với Iran.
Cuộc gặp và tuyên bố trên đây của người đứng đầu IAEA được đưa ra sau khi một số nghị sỹ Mỹ cho biết họ đã được các quan chức IAEA tiết lộ về hai văn bản thỏa thuận bí mật giữa IAEA với Iran và yêu cầu chính quyền Obama cung cấp cho Quốc hội các văn bản này./.