Tổng thống Nam Phi cam kết ủng hộ hãng Huawei của Trung Quốc

Phát biểu trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Ramaphosa bày tỏ quan ngại trước bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn cản Huawei cung cấp giải pháp tiến bộ, toàn diện trong viễn thông.
Tổng thống Nam Phi cam kết ủng hộ hãng Huawei của Trung Quốc ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Cyril Ramaphosa bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Nhật Bản. (Nguồn: Xinhua)

Phát biểu trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Nhật Bản, Tổng thống Cyril Ramaphosa cam kết ủng hộ hãng điện thoại Trung Quốc Huawei.

Bà Khusela Diko - phát ngôn viên Tổng thống Nam Phi, cho biết Tổng thống Ramaphosa khẳng định với người đồng cấp Trung Quốc rằng Huawei đóng vai trò quan trọng đối với Nam Phi. Ông Ramaphosa bày tỏ quan ngại trước bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn cản Huawei cung cấp giải pháp tiến bộ, toàn diện trong lĩnh vực viễn thông.

Huawei hiện là nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới. Theo bà Diko, thiết bị của hãng này đóng vai trò xương sống đối với ngành viễn thông Nam Phi và là nhà tiên phong trong trang bị mạng 5G ở nước này. Tiến bộ của ngành viễn thông Nam Phi phần lớn nhờ đầu tư từ phía đối tác Trung Quốc.

[Bất chấp cấm vận, điện thoại Huawei vẫn vượt ngưỡng 100 triệu chiếc]

Ngày 7/6, 4 công ty viễn thông lớn nhất của Nam Phi là Cell C, MTN, Vodacom và Telkom đã gửi thư đề nghị Tổng thống Ramaphosa hỗ trợ giải quyết ảnh hưởng tiêu cực do lệnh cấm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Huawei.

CEO của bốn hãng này cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Trump sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với ngành viễn thông Nam Phi với khoản thiệt hại ước tính khoảng hơn 71 triệu USD trong đầu tư về cơ sở hạ tầng. Đồng thời, lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei cũng sẽ gây khó khăn cho ngành viễn thông Nam Phi trong triển khai hệ thống mạng 5G, cũng như duy trì mạng 3G, 4G hiện có.

Trước đó, đầu tháng Sáu vừa qua, Phó Chủ tịch phụ trách tiếp thị của Huawei Andrew Williamson đã khẳng định: “Huawei sẽ đầu tư mạnh mẽ vào những quốc gia mà chúng tôi được chào đón.”

Theo ông Williamson, hạn chế cạnh tranh trong cung cấp cơ sở hạ tầng 5G sẽ gây thiệt hại rất lớn. Các chính phủ và các công ty trên khắp thế giới sẽ phải cân nhắc giữa vấn đề chi phí khổng lồ và những rủi ro về an ninh quốc gia mang tính giả định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục