Tổng thống Pháp điện đàm với các lãnh đạo thế giới bàn về vấn đề Liban

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 19/11 đã có một loạt cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới để bàn về căng thẳng chính trị hiện nay tại Liban.
Tổng thống Pháp điện đàm với các lãnh đạo thế giới bàn về vấn đề Liban ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 19/11 đã có một loạt cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới để bàn về căng thẳng chính trị hiện nay tại Liban.

Theo Điện Elysee, Tổng thống Macron đã hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Liban Michel Aoun, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi, Thái tử Saudi Arabia Mohamed bin Salman và với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, sau cuộc gặp tại Paris với Thủ tướng Liban Saad al-Hariri, người vừa thông báo từ chức mới đây.

Mục đích của các cuộc điện đàm này là nhằm tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo thế giới về tình hình Liban. Ngoài ra, Tổng thống Macron còn thảo luận với các nhà lãnh đạo thế giới "tình hình tại Trung Đông, lợi ích cũng như những cách thức nhằm ổn định khu vực và xây dựng hòa bình."

Tuy nhiên, tuyên bố của Điện Elysee không nêu rõ kết quả cụ thể của các cuộc điện đàm mà chỉ cho biết Tổng thống Macron "sẽ tiếp tục trao đổi ý kiến với các nhà lãnh đạo quốc tế khác" về vấn đề Liban "trong những ngày tới."

Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Israel cùng ngày cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris vào đầu tháng 12 tới để thảo luận các vấn đề khu vực, trong đó có những diễn biến gần đây tại Liban.

[Thủ tướng Israel điện đàm với Tổng thống Pháp về khủng hoảng Liban]

Ngày 4/11, ông Hariri bất ngờ tuyên bố từ chức trong phát biểu được phát trên truyền hình từ thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, với lý do "Iran gia tăng ảnh hưởng chính trị trong khu vực" và tính mạng của ông bị đe dọa. Động thái này của ông Hariri đã đẩy Liban chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị và trở thành tâm điểm của sự leo thang tranh giành ảnh hưởng giữa hai phái Sunni và Shiite tại khu vực.

Tổng thống Liban Michel Aoun vẫn chưa chấp nhận tuyên bố từ chức ông al-Hariri và đang đợi người đứng đầu nội các Liban về nước trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Ngày 18/11, ông Hariri đã rời Saudi Arabia sang Pháp. Tổng thống Aoun bày tỏ hy vọng đây sẽ là "sự khởi đầu cho một giải pháp." Hiện chưa có thông tin gì về các kế hoạch của ông Hariri sau khi đến Pháp. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Macron từng đề cập khả năng ông Hariri có thể về nước để chính thức tuyên bố từ chức hoặc xem xét lại quyết định này.

Sự can dự của Pháp là nỗ lực mới nhất của châu Âu nhằm hóa giải căng thẳng tại Liban, nơi luôn tồn tại chia rẽ giữa nhóm Sunni của ông Hariri với nhóm Hezbollah theo dòng Shiite. Cha của ông Hariri - cựu Thủ tướng Rafik Hariri đã bị ám sát năm 2005 trong một vụ đánh bom xe được cho là do Hezbollah tiến hành.

Ông Hariri từng giữ chức Thủ tướng Liban nhiệm kỳ 2009-2011. Ông tái đắc cử vị trí này vào tháng 12/2016, đứng đầu chính phủ liên minh gồm 30 thành viên trong đó có những thành viên thuộc Hezbollah./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục