Trong cuộc họp báo tại Triển lãm ôtô quốc tế Bắc Mỹ tại Detroit hôm 9/1 vừa qua, Chủ tịch hãng sản xuất ôtô Toyota, ông Akio Toyoda, đã thông báo hãng này sẽ đầu tư thêm 10 tỷ USD vào Mỹ trong vòng 5 năm tới.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump dọa áp thuế cao nếu hãng ôtô này của Nhật Bản sản xuất dòng xe Corollas tại Mexico để bán vào thị trường Mỹ.
Giám đốc điều hành (CEO) chi nhánh Toyota tại Bắc Mỹ Jim Lentz cho hay, kế hoạch tăng cường đầu tư vào Mỹ không phải để đáp trả những đe dọa áp thuế của ông Trump, mà là một phần trong chiến lược kinh doanh dài hạn của hãng.
Việc Toyota xây dựng nhà máy mới tại Mexico cũng đã được lên kế hoạch từ hai năm trước khi có thông báo chính thức hồi tháng 4/2015. Với số vốn đầu tư 1 tỷ USD và ước tính tạo ra 2.000 việc làm, nhà máy này sẽ là nơi sản xuất xe Corollas và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2019.
Khi trả lời về phản ứng của Toyota trước lời đe dọa của ông Trump, hãng xe Nhật Bản này nói rằng sản lượng ôtô cũng như số nhân công của hãng tại Mỹ sẽ không suy giảm bởi việc xây dựng nhà máy tại Mexico.
CEO Jim Lentz cho biết thêm, với hơn 21,9 tỷ USD đầu tư trực tiếp, 10 cơ sở sản xuất, 1.500 đại lý bán hàng và 136.000 nhân công tại Mỹ, Toyota rất mong muốn hợp tác với chính quyền của ông Trump nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho người tiêu dùng và ngành công nghiệp sản xuất ôtô.
Tuy nhiên, ông Lentz cũng cảnh báo rằng, việc Tổng thống đắc cử Trump đe dọa áp thuế nhập khẩu trong trường hợp Toyota xây dựng nhà máy sản xuất ôtô tại Mexico có thể đẩy giá của dòng xe Camry sản xuất tại Kentuky lên thêm 1.000 USD do có linh kiện sản xuất tại nước ngoài, đồng thời ảnh hưởng đến việc làm trong lĩnh vực này.
Ngoài Toyota, ông Trump cũng chỉ trích và đe dọa áp thuế tương tự lên General Motor và Ford, do hai hãng này cũng có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất sang Mexico nhằm tận dụng nguồn lao động giá rẻ tại đây.
Kể từ khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016, ông Donald Trump đã luôn hô hào người dân ủng hộ đường lối kinh tế “nước Mỹ là trên hết” của mình bằng cách tạo sức ép buộc các công ty duy trì số lượng việc làm và hoạt động sản xuất của họ tại Mỹ.