TP. HCM lùi thời gian khai thác tuyến tàu điện ngầm số 2

Theo Phó Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM, dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành-Tham Lương, sẽ lùi thời gian khai thác vào năm 2019.

Tại hội thảo “Giải pháp thiết kế nhà ga ngầm” tổ chức ngày 23/4 ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Quốc, Phó trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố, cho biết dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành-Tham Lương) đã chậm bốn tháng, thậm chí việc điều chỉnh thiết kế nếu được hoàn thành trong năm 2014 và được nhân dân đồng thuận, dự án cũng chậm 1 năm và lùi thời gian khai thác vào năm 2019.

Năm 2012 và 2013, dự án đã tập trung khâu thiết kế nền tảng và đấu thầu, giai đoạn 2014-2017 chuyển sang thiết kế kỹ thuật và thi công; đến cuối năm 2018 sẽ chạy thử và đưa vào khai thác.

Theo thiết kế nền tảng tuyến số 2 do Liên danh Metro Team Line 2 thực hiện theo đề nghị của Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố, tại các nhà ga ngầm, tư vấn thiết kế lối lên xuống nằm trên lề đường Cách mạng Tháng 8 quy hoạch (lòng đường 25m, lề đường 5m, lộ giới 35m), bố trí di dời hạ tầng kỹ thuật vĩnh viễn ra 2 bên thân ga.

Tuy nhiên, thiết kế này đã bị người dân phản đối trong quá trình tham vấn cộng đồng, trong đó người dân bị ảnh hưởng của dự án đã không đồng tình việc tích hợp tháp thông gió, làm mát với lối lên xuống dẫn đến mỗi nhà ga có bốn khối công trình rộng 5,5m, dài 40-50m, ảnh hưởng đến kinh doanh, sinh hoạt và mỹ quan đô thị.

Ngoài ra, một số hộ dân giáp ranh quy hoạch cũng đề nghị thu hồi vĩnh viễn phần đất nằm trong lộ giới quy hoạch 35m đã được công bố; đề nghị mức đền bù mặt bằng cao hoặc bằng giá thị trường để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống…

Theo ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, với diện tích 2.000km2, dân số 10 triệu người, lại nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và Đông Nam Bộ nên phát triển giao thông công cộng tại Thành phố hết sức quan trọng. Hiện phương tiện công cộng của thành phố chủ yếu là xe buýt, đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại của người dân. Vì vậy, việc xây dựng các tuyến metro có ý nghĩa quan trọng, cần thiết.

Hiện tại tuyến số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đã khởi công. Tuyến số hai đang ở giai đoạn chuẩn bị, trong quá trình triển khai, thành phố muốn lắng nghe thêm ý kiến, các giải pháp từ các chuyên gia trong và ngoài nước để dự án phù hợp với địa chất, thủy văn, kinh tế, xã hội Thành phố cũng như phù hợp với đặc điểm đô thị hiện đại, phát triển nhanh trong tương lai.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước (Đức, Thụy Sĩ) đã đưa ra một số giải pháp thiết kế nhà ga, kể cả ưu điểm và hạn chế để giới chức Thành phố Hồ Chí Minh tham khảo.

Mỗi giải pháp có những điểm khác nhau, nhưng đều thống nhất cho rằng, bất kỳ việc lựa chọn giải pháp thiết kế nào cũng phải đảm bảo các tiêu chí như phương án tuyến phù hợp với quy hoạch được duyệt (đường Cách mạng Tháng 8 và đường Trường Chinh); tháp làm mát và tháp thông gió được bố trí ngoài lộ giới quy hoạch, nhất là vào khu vực đất công để giảm chi phí mặt bằng; công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu được di dời tạm chứ không nhất thiết di dời vĩnh viễn, sau đó được tái lập toàn bộ, trả đất cho người dân; phù hợp với địa chất công trình, thủy văn của Thành phố Hồ Chí Minh; giảm thiểu các tác động đến công trình hiện hữu; phù hợp với chi phí xây dựng…

Dự án tuyến metro số 2 dài hơn 11km đi qua địa bàn các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, trong đó đoạn đi ngầm dài hơn 9km. Với tốc độ khai thác tối đa 80 km/giờ, quãng đường đi từ Bến Thành đến Tham Lương chỉ còn 26 phút. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 263.190 m2, tổng mức đầu tư hơn 26.100 tỷ đồng (tương đương gần 1,4 tỷ USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục