TP Hồ Chí Minh chú trọng chăm sóc, điều trị cho trẻ mắc COVID-19

Từ đầu tháng 3 đến nay, số trẻ là F0 đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng cao. Riêng ngày 11/3 đã có hơn 500 trẻ là F0 đến khám, tăng cao so với những tuần trước Tết.
TP Hồ Chí Minh chú trọng chăm sóc, điều trị cho trẻ mắc COVID-19 ảnh 1 (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những ngày gần đây, Khoa khám bệnh tại các bệnh viện nhi đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ gặp triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 (ho, sốt...) hoặc đã có kết quả xét nghiệm nhanh tại nhà dương tính.

Khi thấy trẻ gặp những triệu chứng này, ngoài một số người chủ động tự xét nghiệm nhanh tại nhà thì phần lớn phụ huynh lại chọn đưa trẻ đến cơ sở y tế, gây ra tình trạng tập trung đông người dẫn đến nguy cơ lây lan dịch cao tại các bệnh viện nhi ở thành phố.

Lập đường dây nóng hỗ trợ

Từ đầu tháng 3 đến nay, số trẻ là F0 đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tăng cao. Riêng ngày 11/3 đã có hơn 500 trẻ là F0 đến khám, tăng cao so với những tuần trước Tết (chỉ khoảng 20 - 30 trẻ là F0 đến khám/tuần).

Tuy nhiên, trong hơn 500 bệnh nhi này không có trường hợp nào phải nhập viện, tất cả được cho theo dõi, điều trị tại nhà. Những bệnh nhi phải nhập viện thường có bệnh nền kèm theo, các cháu khác chỉ có các triệu chứng như sốt, ho, hoặc không có triệu chứng.

Tại khu vực xét nghiệm nhanh COVID-19, Khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2, một số phụ huynh chia sẻ không dám tự xét nghiệm nhanh tại nhà cho con vì trẻ hay giãy giụa, la khóc, không hợp tác nên rất khó lấy mẫu, có thể làm tổn thương mũi.

Chị Nguyễn Minh Thu (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) vừa nhận kết quả xét nghiệm nhanh dương tính của con mình tại Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ, nhà chị có người nhiễm nên nghi ngờ con cũng bị nhiễm. Dù cháu chỉ bị sốt nhẹ nhưng chị vẫn đưa đến bệnh viện để bác sỹ khám để yên tâm.

Theo bác sỹ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2, Khoa đang tiếp nhận điều trị 200 F0, trong đó có 140 trẻ em, số còn lại chủ yếu là phụ huynh của trẻ. Trong số 140 trẻ nhiễm COVID-19, có 10% trẻ bệnh nặng nằm điều trị tại khu hồi sức cấp cứu và 2 trẻ thở máy, hầu hết có bệnh nền kèm theo.

So với thời điểm trẻ còn học trực tuyến, số trẻ nhập viện điều trị hiện nay tăng gấp 4 - 5 lần nhưng đều nằm trong kiểm soát. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị phương án trưng dụng giường bệnh tại Khoa hô hấp trong tình huống số trẻ mắc COVID-19 nhập viện tăng trong thời gian tới.

Bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, mỗi ngày Khoa khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận 1.100 - 1.200 bệnh nhi, trong đó có 500 - 600 trẻ có triệu chứng nghi ngờ (ho, sốt, sổ mũi...).

Số bệnh nhi dương tính chiếm khoảng 50% tổng số trẻ có triệu chứng nghi ngờ. So với thời điểm trẻ chưa đi học trực tiếp, số trẻ có triệu chứng nghi ngờ và phát hiện dương tính qua xét nghiệm nhanh tại bệnh viện tăng 40%.

[TP.HCM: Rà soát, thêm giường điều trị khi trẻ em mắc COVID-19 tăng]

Theo bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 trẻ mắc COVID-19 điều trị nội trú, thời gian nằm viện ngắn (khoảng 2 - 3 ngày), tỷ lệ xuất viện cao. Để ứng phó với số trẻ mắc COVID-19 đến khám bệnh gia tăng, Bệnh viện đã bố trí thêm nhiều bàn khám, nhằm hỗ trợ bệnh nhi đến khám mọi thời điểm, tạo đường link kết nối online, đường dây nóng hỗ trợ phụ huynh điều trị trẻ tại nhà...

Chủ động điều trị COVID-19 cho trẻ tại nhà

Bác sỹ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa khám Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, triệu chứng mắc COVID-19 ở trẻ cũng giống triệu chứng nhiễm siêu vi chung và bệnh thông thường khác như ho, sốt, sổ mũi... Vì vậy, các phụ huynh nên chủ động thực hiện xét nghiệm nhanh và chăm sóc, theo dõi sức khỏe trẻ tại nhà.

TP Hồ Chí Minh chú trọng chăm sóc, điều trị cho trẻ mắc COVID-19 ảnh 2(Ảnh: THX/TTXVN)

Về việc chăm sóc trẻ tại nhà, theo bác sỹ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, trẻ mắc COVID-19 thường bị sốt. Tuy nhiên, phụ huynh không nên quá lo lắng, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn; thông thường trong vòng 24 - 48 giờ cơn sốt sẽ giảm.

Trường hợp trẻ vẫn sốt hay có các dấu hiệu khác như lừ đừ, vật vã, nôn ói liên tục và kéo dài, thở nhanh... thì đưa ngay đến bệnh viện. COVID-19 cũng không khác gì với các bệnh thông thường khác, thường sau một tuần mắc bệnh trẻ sẽ khỏi.

Bên cạnh đó, khi trẻ là F0, gia đình cần chuẩn bị một phòng cách ly riêng, đeo khẩu trang cho trẻ trên 2 tuổi, chuẩn bị một số thuốc như thuốc hạ sốt, siro ho thảo dược, nước muối sinh lý để nhỏ mũi, súc miệng cho trẻ, mua một máy đo nồng độ oxy trong máu...

Đồng quan điểm, bác sỹ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo, những trẻ có bệnh nền như động kinh, béo phì... khi mắc COVID-19 cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm. Với những trẻ không mắc bệnh nền, có thể đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế tuyến dưới, không cần phải đưa trẻ đến các bệnh viện nhi đồng khám, tránh tình trạng quá tải.

Nhận định về việc số ca mắc ở nhóm trẻ tăng cao, bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, việc số ca mắc tăng cao gần đây, đặc biệt ở nhóm trẻ khi cho phép đi học trở lại, cần được nhìn nhận là chuyện sẽ phải trải qua để dễ dàng chấp nhận, thích ứng an toàn với dịch, từng bước tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu. Muốn đạt được các điều này đòi hỏi phải có miễn dịch cộng đồng và những gì đang trải qua chính là một trong các cơ sở để đạt được miễn dịch cộng đồng.

"Việc cho học sinh đi học trở lại bị mắc COVID-19 nhiều, các bậc cha mẹ ai cũng có tâm lý nóng ruột. Tuy nhiên, đa số trẻ mắc chủng Omicron đều nhẹ. Do đó, vấn đề của ngành y tế là phải hướng dẫn giáo dục sức khỏe và truyền thông cho phụ huynh học sinh chăm sóc F0 sao cho tốt, an toàn nhất, khi nào phải vào bệnh viện...," bác sỹ Nguyễn Tri Thức cho biết thêm.

Song song việc thúc đẩy tiêm vaccine phòng COVID-19, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố là địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng chiến thuật "đánh chặn" từ xa bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ; nhờ đó dù số ca mắc tăng cao nhưng tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong giảm rõ rệt.

Gần đây khi học sinh trở lại trường, số ca mắc ở nhóm này có tăng, do đó Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục mở đợt cao điểm bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó có mở rộng thêm nhóm trẻ em, đặc biệt trẻ chưa được tiêm chủng (dưới 12 tuổi), trẻ mắc các bệnh nền và béo phì bởi thực tế cho thấy trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh, trở nặng và tử vong.

Các bậc phụ huynh nên có giải pháp chủ động phòng tránh dịch bệnh như xịt khuẩn nhà cửa thường xuyên, khi đi làm về cần rửa tay, thay đồ, tắm rửa và đeo khẩu trang nếu có dấu hiệu nghi ngờ; sau đó mới tiếp xúc với trẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục