TP.HCM triển khai nhiều giải pháp giảm tải cho cảng Cát Lái

Để khắc phục quá tải ở Cảng Cát Lái những ngày qua, Tân Cảng Sài Gòn đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có chuyển một số chuyến tàu sang cập cảng khác.
TP.HCM triển khai nhiều giải pháp giảm tải cho cảng Cát Lái ảnh 1Cảng Cát Lái thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. (Ảnh: Hà Thái/TTXVN)

Theo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (Quân chủng Hải quân), để khắc phục tình trạng quá tải tại Cảng Tân Cảng - Cát Lái (gọi tắt là Cảng Cát Lái) trong những ngày qua, Tổng công ty đang triển khai hàng loạt giải pháp, trong đó có phương án chuyển một số chuyến tàu sang cập các cảng khác trong khu vực để dỡ hàng nhập.

Trong số các giải pháp trên có giải pháp quy hoạch và điều hành, cảng Cát Lái đã tăng chiều cao xếp chồng container; chuyển hết container rỗng ra khu vực ngoài cảng; tận dụng tối đa khoảng trống để hạ container; kết hợp nhập, xuất tàu đồng thời trong các thời điểm bãi quá tải nặng.

Bên cạnh đó, Tổng công ty đã ban hành một loạt chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ 15/7 vừa qua và 1/8 tới nhằm giảm tải cho Cát Lái. Các chính sách này gồm: khống chế thời gian hạ bãi container hàng xuất sớm; khuyến khích khách hàng tới cảng lấy container sớm hơn; định mức số lượng container rỗng cho từng hãng tàu được phép để tại Cát Lái.

Cảng cũng đang xem xét ban hành một số giải pháp chuyển dịch vụ đóng rút hàng khỏi Cát Lái.

Mặt khác, Tổng công ty đang triển khai đầu tư thêm 4 cẩu bờ, 6 cẩu bãi và mở rộng thêm diện tích bãi cảng Cát Lái, với tổng đầu tư khoảng 580 tỷ đồng; đẩy nhanh thi công và mua sẵn thiết bị đưa cảng Tân cảng-Hiệp Phước vào khai thác và kết hợp với Phú Hữu-Bến Nghé đưa cảng vào khai thác..., đồng thời phối hợp với các hãng tàu có tàu vào khu vực Cái Mép thuyết phục khách hàng giao nhận trực tiếp tại Cái Mép thay vì chuyển về Cát Lái để giảm tải cho Cát Lái.

Tân Cảng Sài Gòn khẳng định việc ngưng nhận container hàng nhập chuyển về cảng Cát Lái để giao hàng từ các cảng khác không thuộc hệ thống Tân Cảng Sài Gòn sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp của các doanh nghiệp.

Quy định này được ban hành là để doanh nghiệp tự điều tiết nhằm giảm áp lực, bảo đảm năng suất giải phóng tàu và chất lượng dịch vụ. Ước tính hàng hóa thuộc diện này chỉ chiếm khoảng 100 teu/tuần. Việc điều chỉnh mức phí nâng container cũng nhằm khuyến khích khách hàng lấy hàng sớm, giảm thời gian lưu bãi tại cảng.

Hiện nay, năng suất giải phóng tàu đã ổn định, xấp xỉ 60 container/giờ/tàu, thời gian giao nhận bình quân 0.65giờ/container. Công suất thông qua hàng năm của Cát Lái là 4,6 triệu teus/năm, trong khi năm nay dự kiến thông qua mức 3,6-3,7 triệu teus.

Như vậy, cảng có đủ năng lực đảm bảo công tác khai thác tàu, hàng hóa ổn định. Việc tồn bãi gần đây chính là do các lý do nêu trên và chỉ là tạm thời do nhiều yếu tố tác động trong cùng thời điểm như đã phân tích ở trên.

Để giảm tải cho cảng Cát Lái trong lâu dài, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đề xuất đẩy nhanh tốc độ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông các tuyến đường kết nối tới cảng Cát Lái, đặc biệt là tuyến đường cầu Phú Mỹ, để giám áp lực giao thông, tăng tốc độ lưu thông hàng hóa cho cảng; cơ quan Hải quan xem xét tăng cường cán bộ làm việc thêm giờ mỗi ngày và thứ Bảy và Chủ nhật, đặc biệt là bộ phận liên quan đến máy soi để đẩy nhanh tốc độ thông quan, giảm thời gian chờ đợi lấy hàng của khách hàng.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có hàng vào cảng khu vực Cái Mép cần xem xét việc lấy hàng trực tiếp tại cảng thay vì chuyển tải bằng sà lan về Cát Lái nhận hàng như hiện nay để giảm áp lực cho cảng.

Về các nguyên nhân gây ùn ứ tại cảng Cát Lái, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do kim ngạch xuất nhập khẩu tăng, sản lượng 6 tháng đầu năm tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Cảng Cát lái tăng 12%.

Đặc biệt, sản lượng khu vực Cái Mép tăng mạnh đến 46%, trong khi trên 60% sản lượng thông qua Cái Mép phải chuyển về Cát Lái để giao hàng càng làm cho tình trạng ùn ứ tại Cát Lái gia tăng.

Hơn nữa, từ ngày 1/4 năm nay, các cơ quan tăng cường kiểm tra tải trọng xe vận tải đường bộ, đồng nghĩa với việc các nhà xe phải gia tăng lượng xe để chở cùng khối lượng hàng hóa. Việc này đòi hỏi các nhà xe phải có thời gian để mua sắm thêm phương tiện dẫn đến hàng hóa bị ùn ứ tại các cảng biển.

Một nguyên nhân nữa là từ ngày 9/6 vừa qua, cơ quan Hải quan áp dụng chương trình thông quan điện tử mới (VNACCS/VCIS). Điều này đã làm tăng thêm tình trạng ùn ứ tại cảng.

Việc các hãng tàu đã và đang thay đổi phương án khai thác tàu bằng việc thế các tàu nhỏ bằng các tàu có tải trọng lớn, kết hợp với tình trạng các tàu đến muộn nêu trên đã làm lượng hàng xuất tồn bãi bình quân tại cảng tăng cao, đặc biệt vào các cuối tuần khu vực chứa hàng xuất luôn ở trong tình trạng quá tải.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục