Tranh luận sôi nổi về số liệu phản ánh vi phạm của ngành công an

Phiên chất vấn sáng 1/11 trở nên sôi nổi trong phần tranh luận giữa hai đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) và Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) về số liệu phản ánh vi phạm của ngành công an.
Tranh luận sôi nổi về số liệu phản ánh vi phạm của ngành công an ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành công an, phiên chất vấn sáng 1/11 trở nên sôi nổi trong phần tranh luận giữa hai đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) và Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) về số liệu phản ánh vi phạm của ngành công an.

Trước đó, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề qua báo cáo thấy rằng “vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp."

Con số đại biểu Lưu Bình Nhưỡng dẫn giải là “không thụ lý tin tố giác 94%; chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát 86%; xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%; vi phạm trong tống đạt 100%..."

Theo đại biểu, đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong lĩnh vực này.

Tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết từ hôm qua tới giờ, ông liên tục nhận được điện thoại và tin nhắn của cử tri trong lực lượng công an quan tâm đến phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng sáng 31/10.

"Tôi đã tìm đọc rất kỹ và lên truyền hình xem lại, đại biểu Nhưỡng nhận xét làm anh em rất phân tâm," đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.

Theo ông, đại biểu công an đã kiểm tra lại “và tôi khẳng định tất cả những số liệu này là không đúng, không chính xác. Đề nghị đại biểu Nhưỡng phát biểu, nói rõ nếu không anh em lực lượng công an rất phân tâm."

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết đọc lại các báo cáo của Viện Kiểm sát thì số tin báo tố giác tội phạm kiến nghị khởi tố không thụ lý theo quy định của pháp luật là 87/hơn 120.000, số tin báo giải quyết quá hạn là hơn 3.300/hơn 120.100.

“100% không gửi các quyết định cho Viện Kiểm sát thì Viện Kiểm sát sẽ giám sát thế nào với hoạt động của cơ quan điều tra? Đây là những thông tin mà lực lượng công an rất dậy sóng. Đề nghị đại biểu Nhưỡng nói rõ lại vấn đề này để nhân dân, cử tri cả nước, nhất là cử tri trong lực lượng Công an được rõ,” ông Cầu nói.

[Việc thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông sẽ phải thông qua đấu giá]

Tranh luận lại, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ băn khoăn không biết phát biểu vấn đề này thế nào.

"Nếu đại biểu có trong tay phụ lục báo cáo số 158 đóng dấu mật, tôi không muốn công bố các số liệu và đây tôi dựa trên cơ sở báo cáo này. Tất cả các thứ tôi đã ngồi phải tính toán chi li từng số phần trăm ở đây”, đại biểu nói.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng cho hay ông đã so sánh tổng hợp số vi phạm pháp luật trong công tác tư pháp của các cơ quan hoạt động tư pháp so sánh giữa các cơ quan Kiểm sát, Tòa án, Thi hành án, Giám định, Công an, Công chứng, Luật sư.

“Nếu đại biểu muốn biết số liệu, đề nghị đại biểu xem phụ lục. Nếu chưa có thì tôi tính toán đầy đủ ra, tôi xin gửi lại đại biểu. Trước quốc dân đồng bào, cử tri, tôi phát biểu không có bất kỳ định kiến nào và đều dựa trên cơ sở báo cáo chính thức, không bao giờ có bất kỳ số liệu nào ngoài luồng,” đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục giơ biển tranh luận về vấn đề này, tuy nhiên, để không mất thời gian của các đại biểu đang chờ chất vấn và tranh luận những vấn đề khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai đại biểu sẽ gặp nhau để tranh luận.

Sau giờ giải lao, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục tranh luận; cho biết đã gặp đại biểu Lưu Bình Nhưỡng để hỏi lại số liệu này.

Ông phân tích con số đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra là do đại biểu làm tính toán và đưa ra nhận xét theo con số của mình. Trong đó, “phương pháp tính là trong 120.142 đơn mà cơ quan tố tụng đã thụ lý thì có 87 đơn là chưa thụ lý. Trong 87 đơn này thì có 82 đơn là công an chưa thụ lý. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lấy 82 chia cho 87 thành 94%. Tiếp đến, số giải quyết quá hạn là 3.368 đơn, trong đó công an có 3.360 đơn, đại biểu lấy 3.360 chia cho 3.368 bằng 99,7%."

Theo đại biểu, toàn bộ số liệu không phải là số liệu công bố chính thức của Viện Kiểm sát. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhầm lẫn trong tổng số, tức là phải lấy 87 này để chia cho 120.142 mới ra tỷ lệ giải quyết sai đến mức nào.

"Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng so sánh trong 4 cơ quan thì trong đó công an là sai phạm nhiều nhất nhưng trong bài phát biểu lại không nói cái này mà nói là kinh khủng và sai rất nghiêm trọng, đề nghị Bộ trưởng phải xử lý, người ta hiểu sai mất rồi. Tôi thấy rất là đáng tiếc. Tôi nói vậy để đại biểu Quốc hội hiểu thêm và cử tri phải hiểu vấn đề này, nếu không công an sai phạm nhiều quá," đại biểu Nguyễn Hữu Cầu bày tỏ.

Một lần nữa, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng giơ biển xin tranh luận. Để dừng lại phần tranh luận này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bên gặp gỡ để đối chiếu và tranh luận về số liệu còn chưa thống nhất, bởi đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã tranh luận quá hai lần.

Ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tranh luận. Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, ông sẽ tranh luận riêng với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về vấn đề này.

Tuy nhiên, ông đề nghị những vấn đề Chủ tịch Quốc hội giao cho các trưởng ngành trả lời đại biểu thì ngoài gửi cho đại biểu Quốc hội chất vấn, cần gửi cho các đại biểu khác để có thông tin chính thức và cũng là thể hiện quyền giám sát của đại biểu.

Ông cũng đề nghị các cơ quan có liên quan là Ủy ban Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao có thông tin chính thức để trả lời cử tri.

Cho rằng đại biểu Lưu Bình Nhưỡng “đã châm ngòi cho quá nhiều tranh luận,” song, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, điều này giúp cho không khí phiên làm việc dân chủ, có sự trao đi đổi lại để tìm ra sự đúng đắn, chân lý của vấn đề, để cử tri hiểu.

Thông tin trước Quốc hội theo đề nghị của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho biết công tác điều tra xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều diễn biến tích cực, chất lượng công tác điều tra được nâng lên rõ rệt, hạn chế được những vi phạm trong hoạt động điều tra so với cùng kỳ.

Tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác đạt 87,2%, trong khi chỉ tiêu Quốc hội yêu cầu là 90%, vậy là còn 2,8% nữa mới đạt yêu cầu Quốc hội đề ra.

Cũng theo bà Lê Thị Nga, năm qua, số tin báo quá hạn là 3.368, chiếm 2,8% trên tổng số các tin báo, không phải chiếm nhiều./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục