Trung Quốc đề xuất lập khu vực tự do thương mại trong BRICS

Trung Quốc đã nêu ý tưởng về một khu vực tự do thương mại (FTA) trong khối BRICS và cho rằng một quyết định như vậy sẽ tạo dựng “hình thức hợp tác quan trọng."
Trung Quốc đề xuất lập khu vực tự do thương mại trong BRICS ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Infobrics.org)

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 15-16/10 tại thành phố Goa (Ấn Độ), Trung Quốc đã nêu ý tưởng về một khu vực tự do thương mại (FTA) trong khối và cho rằng một quyết định như vậy sẽ tạo dựng “hình thức hợp tác quan trọng."

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 9/10, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đan Dương cho hay thông qua việc thiết lập một khu vực thương mại tự do, các nước BRICS sẽ có thể xóa bỏ những hàng rào thuế quan và phi thuế quan, phát huy được hết lợi thế cạnh tranh của mình và thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong khối này.

BRICS gồm năm nền kinh tế lớn đang nổi lên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Ông Thẩm Đan Dương cho hay với nhiều chuyên gia đã đề xuất về một khu vực tự do thương mại, một thỏa thuận FTA như vậy sẽ giúp các nước BRICS đạt được lợi ích và sự phát triển chung, cũng như thúc đẩy hợp tác Nam-Nam trên quy mô toàn cầu.

Theo kế hoạch, các bộ trưởng thương mại BRICS sẽ gặp nhau ở New Delhi vào cuối tuần này để thảo luận về các xu hướng kinh tế thế giới, cũng như ảnh hưởng của các nước trong khối đối với thương mại toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh của BRICS sắp tới còn là cơ hội để nhóm thúc đẩy việc cải tiến hệ thống quản trị toàn cầu, do môi trường quốc tế hiện nay đang đương đầu với những thách thức to lớn về tài chính, an ninh và môi trường. Các nước thành viên BRICS dự kiến sẽ đưa ra năm mục tiêu và chủ đề hợp tác chính tại hội nghị lần này, bao gồm xây dựng thể chế, thực thi, hội nhập, sáng tạo và duy trì tính tiếp nối.

Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ sắp có bầu cử tổng thống mới, tình hình kinh tế-xã hội tại châu Âu phát sinh nhiều vấn đề sau khi nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), thế giới cần có sự lãnh đạo với trách nhiệm cao và các nước đang phát triển có thể đóng góp vào các mục tiêu trên.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện các cơ chế BRICS và Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển lớn nhất thế giới (G20) sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong trật tự thế giới mới. Một trong các lĩnh vực hợp tác quan trọng nhất của BRICS hiện nay là ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ và ngân hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục