Trung Quốc nổi cáu vì bị Mỹ lên án hoạt động tại Biển Đông

Ngày 9/5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố báo cáo của Mỹ cáo buộc Bắc Kinh cải tạo đất ở Biển Đông là bóp méo sự thật.
Trung Quốc nổi cáu vì bị Mỹ lên án hoạt động tại Biển Đông ảnh 1Tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm Chữ Thập ngày 17/7/2012. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 9/5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố báo cáo của Mỹ cáo buộc Bắc Kinh cải tạo đất ở Biển Đông là bóp méo sự thật.

Tuy nhiên, chính một tuyên bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN tại Malaysia mới đây đã nhấn mạnh, việc Trung Quốc đẩy mạnh xây đảo mới "có thể hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định" trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

 

Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn bộ quốc phòng nói "báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về diễn biên quân sự và an ninh của Trung Quốc đã bóp méo sự thật và tiếp tục chiêu bài 'mối đe dọa quân sự của Trung Quốc'."

 

Các quan chức quốc phòng Mỹ trước đó cùng ngày đã cảnh báo việc Trung Quốc tăng cường đáng kể các nỗ lực cải tạo đất trái phép của mình ở Biển Đông trong 5 tháng qua, bằng việc xây dựng các đảo nhân tạo với tốc độ nhanh chưa từng thấy.

 

"Trung Quốc đã mở rộng gấp 400 lần diện tích các đảo mà nước này chiếm đóng tại vùng biển trên," một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.

 

Theo quan chức quốc phòng này, kể từ tháng 1/2014, Bắc Kinh đã tôn tạo, bồi đắp thêm 800ha, trong đó 75% diện tích này được thực hiện trong năm nay.

 

"Tốc độ và quy mô cải tạo đất của Trung Quốc trong những năm gần đây đã vượt xa so với các bên yêu sách chủ quyền khác," quan chức này nói.

 

Đánh giá trên được đưa ra khi Lầu Năm Góc công bố báo cáo hàng năm về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, trong đó bao gồm một phần đặc biệt nói về hoạt động nạo vét và xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông.

 

Theo báo cáo này, tại bốn địa điểm Trung Quốc đang tiến hành cải tạo, nước này đã chuyển từ hoạt động nạo vét sang "phát triển cơ sở hạ tầng,"bao gồm bến cảng, hệ thống thông tin liên lạc và giám sát, hỗ trợ hậu cần, và "ít nhất một sân bay."

 

Trên các hòn đảo này, Trung Quốc cũng xây dựng kênh nước sâu có thể tiếp nhận các tàu lớn hơn. Mục đích cuối cùng của nỗ lực vẫn chưa rõ ràng nhưng các nhà phân tích bên ngoài Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đang "cố gắng thay đổi hiện trạng trên thực địa bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng quốc phòng của mình ở Biển Đông," báo cáo cho biết.

 

Báo cáo của Lầu Năm Góc chỉ đánh giá trong khoảng thời gian kết thúc vào tháng 12/2014, tới điểm đó Trung Quốc đã bồi đắp trái phép 200 ha tại các vùng biển tranh chấp. Nhưng kể từ đó, Trung Quốc đã tiến hành tôn tạo, bồi đắp thêm 600ha, các quan chức cho biết.

 

Ngày 8/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc gần đây, Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc có công hàm gửi Phái đoàn thường trực các nước tại Liên hợp quốc, trong đó khẳng định “chủ quyền và các yêu sách liên quan” của Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại các đảo và bãi ở Biển Đông là “hợp pháp, chính đáng và đúng đắn,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Đây là những quan điểm sai trái và không có bất kỳ cơ sở pháp lý, lịch sử cũng như thực tế nào. Ngày 30/4, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã có công hàm gửi phái đoàn thường trực tất cả các nước tại Liên hợp quốc bác bỏ những quan điểm đó của phía Trung Quốc”./.

Tin cùng chuyên mục