Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng tại Trung Đông

Trung Quốc tìm cách gia tăng tầm ảnh hưởng tại Trung Đông

Chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Trung Đông thể hiện chủ trương gia tăng ảnh hưởng của quốc gia này tại khu vực.
Trung Quốc tìm cách gia tăng tầm ảnh hưởng tại Trung Đông ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ba cường quốc có ảnh hưởng lớn ở Trung Đông là Saudi Arabia, Ai Cập và Iran đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lựa chọn làm điểm đến trong chuyến công du mở màn năm 2016.

Dư luận quốc tế dành sự quan tâm đặc biệt cho hoạt động ngoại giao này không chỉ bởi lịch trình dày đặc các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo 3 nước và lãnh đạo các tổ chức khu vực, hay các thỏa thuận hợp tác trị giá hàng chục tỷ USD.

Chuyến công du thu hút sự chú ý còn bởi lẽ kể từ năm 2009 tới nay, chưa có vị nguyên thủ Trung Quốc nào tới Trung Đông do lo ngại bị lôi kéo vào những cuộc tranh chấp dai dẳng của khu vực.

Chính vì vậy, chuyến thăm được cho là đã phản ánh ưu tiên mới trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh thời gian tới.

Có thể thấy rõ mục tiêu đầu tiên mà nhà lãnh đạo Trung Quốc hướng đến trong chuyến thăm này là kinh tế.

Với vị trí địa chính trị quan trọng, là khu vực xung yếu của vận chuyển hàng hóa toàn cầu, nơi đứng đầu về cung cấp dầu mỏ cho thế giới, Trung Đông có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy tổng thể sáng kiến “Một vành đai, một con đường” do Trung Quốc đề xuất. Một loạt lĩnh vực hợp tác nổi bật đã được đề cập trong khuôn khổ chuyến thăm, từ năng lượng, cơ sở hạ tầng, thương mại, đầu tư, cho tới không gian và vệ tinh, năng lượng mới, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, trao đổi nhân sự.

Tại chặng dừng chân đầu tiên - Saudi Arabia, ông Tập Cận Bình cùng Quốc vương Salman đã tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện và cùng ký tới 14 thỏa thuận hợp tác.

Đối với Ai Cập, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình được giới chức nước này đánh giá là mang tính lịch sử trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ông Tập Cận Bình là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới thăm cơ quan lập pháp mới được bầu của đất nước Kim tự tháp và đã trình bày một kế hoạch thúc đẩy hợp tác song phương toàn diện tại đây.

Hàng loạt thỏa thuận với tổng trị giá lên tới hơn 15 tỷ USD cũng đã được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm, trong đó có các thỏa thuận trong lĩnh vực hàng không dân dụng, tài chính, cơ sở hạ tầng…

Với Iran, ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới thăm Tehran sau khi thoả thuận hạt nhân giữa nước này với các cường quốc chính thức có hiệu lực.

Đây được cho là mốc mới mở ra nhiều cơ hội đầu tư, phát triển cho tất cả các bên, và được dự đoán là sẽ tác động đáng kể tới tình hình kinh tế của Iran cũng như sự cân bằng chiến lược tại khu vực.

Chọn Tehran cho chuyến công du này, Trung Quốc đã thể hiện sự chủ động và tích cực tham gia vào “sân chơi” mới đầy tiềm năng này.

Theo giới phân tích, việc củng cố quan hệ với ba cường quốc khu vực nói trên không chỉ giúp bảo đảm an ninh năng lượng cho Trung Quốc, mà còn thúc đẩy các dự án hạ tầng phục vụ cho sáng kiến “con đường tơ lụa” mới nối Bắc Kinh với châu Âu và châu Phi.

Bên cạnh các mục tiêu rõ ràng về kinh tế, chuyến thăm cũng cho thấy Trung Quốc đang muốn thể hiện một vai trò mới cả về chính trị và an ninh tại khu vực.

Trung Đông là khu vực đầy sức hút, nhưng cũng vô cùng phức tạp do những xung đột, mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc chồng chéo, dai dẳng. Cuộc khủng hoảng chưa có lối thoát ở Syria, tiến trình hòa bình bế tắc giữa Israel và Palestine, xung đột phe phái ở Yemen, hay sự bành trướng của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng… đã và đang là những “hồ sơ” hóc búa bậc nhất trong các mối quan hệ quốc tế.

Tình hình lại càng “nóng” thêm trong những ngày đầu năm 2016 với căng thẳng giữa Saudi Arabia, vương quốc do người Hồi giáo dòng Sunni lãnh đạo, và Iran với đa số dân theo dòng Shiite.

Trong bối cảnh như vậy, lâu nay Trung Quốc vẫn cố gắng duy trì tính trung lập, không thể hiện đứng về phía nào trên bàn cờ địa chính trị đầy phức tạp của khu vực.

Có lẽ vì thế, Trung Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới cùng lúc duy trì quan hệ tốt với cả Iran, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Tuy nhiên, giới phân tích bình luận rằng trước nguy cơ những lợi ích của mình có thể bị đe dọa do những bất ổn kéo dài tại khu vực, Bắc Kinh có lẽ phải tính tới việc điều chỉnh chính sách ngoại giao.

Trước thềm chuyến công du của ông Tập Cận Bình, Chính phủ Trung Quốc đã lần đầu tiên xuất bản Sách về chính sách Arab, trong đó tổng kết quá trình phát triển quan hệ giữa Trung Quốc và thế giới Arab, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ này. Tài liệu cũng nêu rõ quan điểm của Bắc Kinh trong giải quyết các cuộc khủng hoảng và các điểm nóng ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi.

Và khi tới Trung Đông lần này, ông Tập Cận Bình đã lên kế hoạch gặp gỡ hàng loạt lãnh đạo khu vực, trong đó có Chủ tịch Chủ tịch Liên đoàn Arab (AL) cùng lãnh đạo Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC). Đặc biệt, ông còn có bài phát biểu tại trụ sở AL ở Cairo, đề cập các chính sách và kế hoạch thúc đẩy hòa bình và phát triển trong khu vực.

Phân tích về chuyến thăm này, tờ Daily News Egypt của Ai Cập bình luận “Trung Quốc đang mạo hiểm vào vùng nước xoáy”, trong đó nhắc lại việc năm ngoái, do lo ngại bị hiểu nhầm đứng về một phe khi liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu tấn công Yemen, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hủy chuyến thăm Riyadh.

Tuy nhiên, giờ đây, Bắc Kinh đã buộc phải thừa nhận rằng không thể giới hạn quan hệ trong lĩnh vực kinh tế, mà buộc phải tìm kiếm vai trò lớn hơn trong các vấn đề ở khu vực, nhất là sau khi IS đã lần đầu tiên đăng tải video tuyển mộ chiến binh bằng tiếng Trung Quốc.

Giới phân tích phương Tây thì cho rằng chuyến công du của ông Tập Cận Bình là nhằm thể hiện Bắc Kinh đã sẵn sàng gây ảnh hưởng về ngoại giao tại một trong những khu vực biến động nhất trên thế giới.

Trung Quốc ngày càng có nhiều lợi ích tại đây, và chỉ riêng những lợi ích kinh tế cũng đã là nhân tố đủ để Bắc Kinh phải có cách tiếp cận tích cực hơn với khu vực giàu dầu mỏ và có vị trí địa chính trị quan trọng này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng chưa phải lúc Trung Quốc xúc tiến nỗ lực ngoại giao con thoi để can dự trực tiếp vào các vấn đề nóng tại khu vực.

Dù với những tính toán gì thì chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới Trung Đông cũng thể hiện chủ trương gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.

Qua chuyến thăm, Bắc Kinh đang phát đi tín hiệu rõ ràng về một chính sách mới không chỉ đối với Trung Đông, mà còn với thế giới Arab./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục