Truyền dạy loại hình nghệ thuật diễn tấu đặc sắc của người Khmer

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang mở lớp truyền dạy đàn Chà pây cho một số thanh niên Khmer có năng khiếu và đam mê nghệ thuật dân tộc.

Ngày 12/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang mở lớp truyền dạy đàn Chà pây cho một số thanh niên Khmer có năng khiếu và đam mê nghệ thuật dân tộc, qua đó góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật diễn tấu tấu đàn Chà pây - di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Trong thời gian 2 tháng (thời gian học 5 ngày/tuần từ tháng Sáu đến tháng Tám), các học viên được nghệ nhân Chau Nưng và nghệ nhân Chau Hunh, ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang truyền dạy về cách chơi đàn Chà pây, các nốt nhạc cơ bản, cách bấm phím, đánh đàn, luyến láy theo điệu nhạc.

Các học viên của lớp đầu tiên này sau khi đàn được các bản nhạc đơn giản sẽ tiếp tục chỉ dạy cho các lớp tiếp theo, từ đó phát triển rộng nghệ thuật chơi đàn Chà pây đến đông đảo bà con Khmer trong tỉnh.

Các tiết mục biểu diễn đàn Chà pây sẽ được lồng ghép vào trong các lễ hội, sinh hoạt truyền thống của bà con Khmer, tiến tới bảo tồn loại hình văn hóa đặc sắc này.

Chầmriêng Chà pây (chầm riêng nghĩa là hát, Chà pây tức là cây đàn Chà pây) là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có từ lâu đời và phổ biến trong các phum sóc của đồng bào Khmer trước đây.

Nghệ thuật chơi Chầmriêng Chà pây gọi là đơn ca độc tấu hay "ca kể chuyện." Nhạc cụ chính là đàn Chà pây. Ðàn Chà pây thường được làm bằng cây gỗ mít hoặc cây lành canh. Thùng đàn có mặt trước rộng 37cm, mặt sau 30cm. Trên đàn có bộ phận mắc dây đàn gọi là ngựa đàn được vuốt cong vút, chạm trổ hoa văn độc đáo. Cần đàn dài 12cm thường dùng gỗ hương, cẩm.

Là nhạc khí hai dây duy nhất trong nghệ thuật âm nhạc của đồng bào Khmer, đàn có 12 phím theo hệ thống thang âm ngũ cung với đầy đủ sắc thái âm trầm ấm, sâu lắng, đặc biệt phù hợp với thể loại nhạc tự sự, diễn ca lắng đọng.

Tuy nhiên, hiện nay số người biết đàn hát Chầmriêng Chà pây ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn lại vài người, có thể kể đến nghệ nhân Lý Sêm (Sóc Trăng), nghệ nhân Chau Nưng (An Giang), nghệ nhân Danh Xà Rậm (Bạc Liêu) và nghệ nhân Thạch Mâu (Trà Vinh).

Hầu hết các nghệ nhân đều đã cao tuổi nhưng người kế thừa thì rất hiếm hoi nên việc mở lớp truyền dạy đàn Chà pây sẽ góp phần hiệu quả vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật diễn tấu độc đáo của người Khmer./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục