Ứng phó với bão số 6: Bình Định sơ tán gần 10.000 dân đến nơi an toàn

Đến trưa 10/11, ngoài huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Nhơn, toàn tỉnh Bình Định đã cấp tốc di dời gần 10.000 nhân khẩu của 2.604 hộ dân đến những nơi an toàn để tránh bão số 6.
Người dân khẩn trương gia cố tạm kè bờ biển xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định bị bão số 5 đánh sập gần 100m. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)
Người dân khẩn trương gia cố tạm kè bờ biển xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định bị bão số 5 đánh sập gần 100m. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Đến trưa 10/11, toàn tỉnh Bình Định đã cấp tốc di dời gần 10.000 nhân khẩu của 2.604 hộ dân đến những nơi an toàn để tránh bão. Ngoài huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Nhơn chưa triển khai di dời dân, còn lại tất cả 9 huyện, thành phố khác trong tỉnh Bình Định đều đã đưa dân đến nơi an toàn.

Tỉnh cũng đã huy động trên 3.700 cán bộ, chiến sỹ của các lực lượng quân đội, công an, bộ đội biên phòng… cùng với sự hỗ trợ của Quân khu 5 xuống các địa phương ven biển, vùng xung yếu để hỗ trợ dân trong cơn bão số 6.

Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng đã hoàn thành việc thiết lập Sở chỉ huy tiền phương của Quân khu tại Bình Định để làm nhiệm vụ ứng phó với cơn bão số 6. Đã có 638 phương tiện được huy động, trong đó có 28 xe đặc chủng có thể đi được trong bão.

Bộ Quốc phòng cũng đã điều động 9 tàu cảnh sát biển và 4 tàu hải quân đến vùng biển Nam Trung Bộ để hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương trong tình huống khẩn cấp trên biển.

Các lực lượng vũ trang huyện, dân quân tự vệ và thanh niên xung kích tại các địa phương đã tập trung giúp dân thu dọn tài sản, chằng chống nhà cửa và hỗ trợ sơ tán người dân.

Trong số các địa phương phải di dời dân, nhiều nhất là huyện Hoài Nhơn với 1.798 người phải di dời đến những ngôi nhà kiên cố, những vùng cao để tránh bão.

Phó Phủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công cho biết, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có dân được di dời khẩn cấp. Tại các xã Tam Quan Bắc, Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Châu Bắc, thị trấn Tam Quan… có nhiều khu dân cư nằm trong vùng xung yếu, các cơ quan chức năng đã di dời hết những hộ dân tại đây. Đối với người nuôi hải sản bằng lồng bè trên biển, chính quyền địa phương cũng đã yêu cầu vào bờ tránh bão.

Trong sáng 10/11, người dân vùng ngập trũng nằm giữa đầm Thị Nại, thuộc huyện Tuy Phước phải khẩn cấp di dời tránh bão. Ông Phan Thế Khoa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước cho hay: “Xã có 93 hộ nằm trong diện phải di dời. Sáng nay, lực lượng xung kích, bộ đội biên phòng, Ban chỉ huy quân sự tỉnh đến hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, di dời đến nơi ở an toàn. Các hộ dân phải di dời đã đến nơi an toàn trước 10 giờ”.

Đến 13 giờ ngày 10/11, Chính quyền huyện Phù Cát vẫn đang vận động một chủ tàu sắt neo đậu trên khu vực biển Đề Gi về để đưa tàu đến nơi an toàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phù Cát Nguyễn Trung Kiên nói: Vùng xung yếu nhất, dễ xảy ra thiệt hại nhất trong cơn bão số 6 này của huyện Phù Cát là vùng biển Đề Gi và khu vực Cầu Gành, xã Cát Minh. Ngoài chủ tàu sắt trên, toàn bộ 22 hộ dân vùng Cầu Gành và những nơi khác đều đã được đưa đến nơi an toàn.

Toàn huyện Phù Cát đã di dời 1.775 nhân khẩu khỏi vùng xung yếu, dễ xảy ra sạt lở như thôn Trung Lương, xã Cát Tiến; Đại Lợi Nam, xã Cát Nhơn…

[Tối 10/11 bão số 6 giật cấp 12 vào bờ biển Bình Định đến Khánh Hòa]

Tại huyện miền núi An Lão, khi mưa lớn dễ xảy ra lũ quét và ngập lụt nhiều nơi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện An Lão Phạm Văn Nam cho biết, Ủy ban nhân dân huyện đã cử lực lượng cứu hộ và công an ứng trực hai bên đầu cầu An Liên đã bị sập. Đây là cây cầu đã bị gãy nhịp từ năm trước và gãy thêm 2 nhịp trong cơn bão số 5 vừa qua.

Cầu An Liên bắc qua sông An Lão, nối hai xã An Dũng và An Vinh. Các lực lượng chức năng sẽ góp phần giúp người dân qua lại cầu tạm khi mưa lũ chưa lớn và ngăn chặn người dân qua lại khi lũ lớn. Tại những vùng có nguy cơ ngập lụt, chính quyền địa phương đã vận động người dân lùa toàn bộ đàn đại gia súc lên những vùng đất cao và đến ở tạm trong những ngôi nhà có gác chống lũ.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 5.600 tàu thuyền đang neo đậu trong các cảng, vịnh biển; trong đó 53 tàu neo đậu tại vùng cảng Quy Nhơn; 5.594 tàu thuyền neo đậu tại các bến cá, cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Đạm Thủy, Vĩnh Lợi, Tam Quan. Ngoài ra, còn có 132 tàu thuyền ngoài tỉnh đang neo đậu trong các vùng biển Bình Định với 811 người.

Trong ngày 10/11, lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng chính quyền các cấp tiếp tục ráo riết đến các vùng xung yếu để chỉ đạo các lực lượng và vận động, động viên người dân phòng, tránh bão.

Cũng trong ngày 10/11, đã có 400 du khách rời khỏi tỉnh Bình Định, còn lại 1.200 du khách ở lại trong thời gian có bão số 6. Xã đảo Nhơn Châu và những làng biển Nhơn Hải không có du khách lưu trú trong thời gian này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục