Ủy ban châu Âu thông qua đề xuất về quy định đoàn kết mạng

Đạo luật mới đảm bảo cho tất cả công dân và doanh nghiệp châu Âu đều được bảo vệ tốt, cả trực tuyến và ngoại tuyến, đồng thời thúc đẩy một không gian mạng mở, an toàn và ổn định.
Ủy ban châu Âu thông qua đề xuất về quy định đoàn kết mạng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: nbcnews)

Ngày 18/4, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua đề xuất về quy định đoàn kết mạng, trong đó có việc tạo ra một lá chắn mạng châu Âu nhằm phát hiện và chống lại các mối đe dọa có thể xảy ra.

Giới thiệu về Đạo luật đoàn kết mạng, Ủy viên châu Âu về thị trường nội khối Thierry Breton nhấn mạnh đạo luật này đảm bảo cho tất cả công dân và doanh nghiệp châu Âu đều được bảo vệ tốt, cả trực tuyến và ngoại tuyến, đồng thời thúc đẩy một không gian mạng mở, an toàn và ổn định. Đây là mục tiêu đầy tham vọng của EC nhằm đạt được một sự đoàn kết trên không gian mạng.

Yếu tố chính của văn bản này là việc thiết lập một "lá chắn mạng châu Âu," cơ sở hạ tầng toàn châu Âu được tạo thành từ các trung tâm điều hành an ninh quốc gia và xuyên biên giới (SOC) trên toàn Liên minh châu Âu (EU).

Các trung tâm này sẽ chịu trách nhiệm phát hiện và chống lại các mối đe dọa mạng, sử dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), hoặc phân tích dữ liệu nâng cao.

Theo kế hoạch, sẽ có 6 hoặc 7 trung tâm điều hành an ninh mạng được thành lập, và 3 trong số đó sẽ được triển khai trong năm nay. Được trang bị siêu máy tính và hệ thống AI, các trung tâm này sẽ trải rộng khắp các quốc gia châu Âu và sẽ hoạt động cộng sinh để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng trong tương lai.

Ủy viên Breton cho biết kể từ khi phần mềm độc hại bắt đầu phát tán đến thời điểm được phát hiện trung bình mất khoảng 190 ngày, và EU muốn "giảm đáng kể thời gian này xuống còn vài giờ."

Nhóm trung tâm này sẽ được bổ sung các tình nguyện viên, một khu bảo tồn không gian mạng, bao gồm hàng nghìn bên liên quan, các nhà cung cấp dịch vụ công và tư, để hỗ trợ nỗ lực phòng thủ trong trường hợp bị tấn công. Dự kiến các thực thể trong những lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe, giao thông, năng lượng sẽ được thử nghiệm để phát hiện những lỗ hổng có thể xảy ra.

[Mỹ và Liên minh châu Âu công bố thỏa thuận AI sâu rộng đầu tiên]

Với ngân sách 1,1 tỷ euro, trong đó phần lớn được chương trình Vì một châu Âu kỹ thuật số cấp ngân sách, "Lá chắn mạng châu Âu" dự kiến sẽ được thực thi vào đầu năm 2024.

Bên cạnh đó, EC cũng đã trình bày các phác thảo về Học viện kỹ năng an ninh mạng của mình, trong khuôn khổ của "Năm kỹ năng châu Âu."

Đơn vị mới này sẽ tập hợp những sáng kiến hiện có nhằm khuyến khích kỹ năng an ninh mạng và đưa chúng lên một nền tảng trực tuyến, từ đó tăng tính hiển thị và giúp tăng số lượng chuyên gia giỏi về an ninh mạng trong EU.

Năm 2022, Ủy ban châu Âu (EC) cho hay các quốc gia thành viên EU nên đưa ra một khuôn khổ để quản lý rủi ro an ninh mạng tại các cơ quan của khối liên minh này trong bối cảnh lo ngại về các cuộc tấn công mạng gia tăng có thể làm gián đoạn các hoạt động chủ chốt và đánh cắp thông tin nhạy cảm.

Đề xuất trên là một phần trong gói dự thảo các quy tắc mà giới lãnh đạo EU gọi là Quy chế An ninh mạng nhằm thành lập một Ban An ninh mạng, qua đó đảm bảo giám sát việc các nước thực thi các quy định mới.

Ủy viên châu Âu về Ngân sách Johannes Hahn cho rằng trong một môi trường kết nối, một sự cố an ninh mạng đơn lẻ có thể ảnh hưởng đến toàn khối liên minh. Do vậy, theo ông Hahn, điều quan trọng hiện nay là xây dựng một lá chắn mạnh mẽ ngăn chặn các mối đe dọa an ninh mạng.

Theo dự thảo quy tắc, tất cả cơ quan EU sẽ phải xác định các rủi ro an ninh mạng, thiết lập kế hoạch để cải thiện an ninh mạng, thường xuyên thực hiện các đánh giá về vấn đề này và chia sẻ thông tin về các vụ tấn công mạng.

EC cũng đề xuất một quy định bảo mật thông tin, vốn sẽ tạo ra một bộ quy tắc và tiêu chuẩn tối thiểu cho tất cả các tổ chức, cơ quan của EU.

Hồi đầu tháng này, các bộ trưởng EU đã kêu gọi thành lập quỹ ứng phó khẩn cấp về an ninh mạng để chống lại các cuộc tấn công mạng quy mô lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục