Vì sao đề xuất nghỉ phép chăm con bắt buộc của Hàn Quốc gây tranh cãi?

Theo đề xuất, chế độ nghỉ phép chăm con ở Hàn Quốc được thực hiện sau khi người lao động kết thúc thời gian nghỉ thai sản và không cần sự chấp thuận của bên sử dụng lao động.
Vì sao đề xuất nghỉ phép chăm con bắt buộc của Hàn Quốc gây tranh cãi? ảnh 1Khoa sơ sinh tại bệnh viện sản ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo Thời báo Hàn Quốc, việc Chính phủ nước này thúc đẩy áp dụng chế độ nghỉ phép chăm con bắt buộc đang gây ra nhiều tranh cãi.

Thiếu thực tế?

Theo luật hiện hành, tại Hàn Quốc, lao động nữ được hưởng chế độ nghỉ thai sản 90 ngày, trong khi lao động nam có vợ sinh con cũng sẽ được hưởng chế độ nghỉ phép 10 ngày.

Thời gian nghỉ chăm con có thể lên tới 1 năm cho cả lao động nam và nữ (sẽ tăng lên thành 1 năm rưỡi vào năm tới) và nhân viên có thể chọn thời điểm nghỉ chăm sóc con cho đến trước khi con của họ được 8 tuổi.

Theo chính sách mới do Ủy ban Tổng thống về Chính sách Dân số và Xã hội Lão hóa Hàn Quốc đề xuất, chế độ nghỉ phép chăm con được thực hiện sau khi người lao động kết thúc thời gian nghỉ thai sản và không cần sự chấp thuận của bên sử dụng lao động.

Nhưng chế độ nghỉ phép chăm con này đang bị đánh giá là phi thực tế bởi điều kiện của các công ty và người lao động không giống nhau. Không chỉ thế, người lao động có thể bị giảm đáng kể thu nhập khi nghỉ chăm sóc con và không phải ai cũng muốn nghỉ chăm con ngay sau khi kết thúc thời gian nghỉ thai sản.

Một bà mẹ 37 tuổi, làm nhân viên văn phòng ở Seoul, cho biết: “Tôi muốn nghỉ chăm sóc con khi con trai tôi vào lớp 1, vì tôi nghĩ rằng một đứa trẻ cần có mẹ nhất vào giai đoạn đó. Mỗi bậc phụ huynh ở vào một hoàn cảnh khác nhau và sẽ có suy nghĩ khác nhau. Ý tưởng buộc phải nghỉ chăm con ngay sau khi kết thúc thời gian nghỉ thai sản là không thực tế."

Một quan chức của Ủy ban Tổng thống về Chính sách Dân số và Xã hội Lão hóa Hàn Quốc cho biết sở dĩ Ủy ban đề xuất chính sách này là vì hiện nay, một số chủ doanh nghiệp vẫn gây khó dễ hoặc ép người lao động phải nghỉ việc khi họ xin nghỉ chăm con, hoặc gạt đi cơ hội thăng tiến của họ.

Theo khảo sát năm 2021 của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc (MOEL), có đến 34,2% nhân viên cho biết họ gặp khó khăn khi xin nghỉ phép để chăm sóc con do áp lực từ sếp của họ.

Vì sao đề xuất nghỉ phép chăm con bắt buộc của Hàn Quốc gây tranh cãi? ảnh 2Các bố mẹ đưa con đi dạo tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hàn Quốc cũng cho biết tỷ lệ lao động nữ và nam nghỉ chăm sóc con lần lượt là 21,4% và 1,3%. Tỷ lệ này là thấp nhất trong số các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có công bố thông tin liên quan.

Shin Yoon-jeong, nhà nghiên cứu tại Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, cho rằng: "Chính phủ Hàn Quốc cần đưa ra chính sách cho phép các bậc cha mẹ lựa chọn nghỉ phép chăm con mà không gặp bất kỳ khó khăn nào và các công ty chấp nhận điều đó."

Chế độ nghỉ phép chăm con có góp phần tăng tỷ lệ sinh?

Việc thúc đẩy chính sách mới có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn trong bối cảnh người dân Hàn Quốc ngày càng có xu hướng miễn cưỡng sinh con do thu nhập bị giảm đi trong thời gian nghỉ chăm sóc trẻ. Người lao động nhận được 80% mức lương thông thường khi họ nghỉ chăm sóc con cái.

Theo Cơ sở Dữ liệu Gia đình của OECD, tính đến năm 2022, trợ cấp nghỉ phép chăm sóc con chỉ chiếm 44,6% thu nhập của người lao động. Điều đó có nghĩa là khoản trợ cấp ít hơn một nửa so với thu nhập ban đầu.

Ngoài ra, nếu chính sách trên dẫn đến số lượng người lao động nghỉ phép chăm con tăng nhanh thì sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho quỹ bảo hiểm việc làm.

Có ý kiến cho rằng chế độ nghỉ phép chăm con bắt buộc có thể khiến người sử dụng lao động do dự trong việc tuyển dụng lao động ở độ tuổi sinh nở và điều này cũng không giúp tăng tỷ lệ sinh của Hàn Quốc, vốn đang ở mức thấp.

[Số người cao tuổi phải sống đơn thân ở Hàn Quốc tăng kỷ lục]

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT), tỷ lệ sinh tại nước này năm 2022 ở mức thấp chưa từng có. KOSTAT cho biết có tổng cộng 249.000 trẻ chào đời trong năm 2022, giảm 4,4% so với mức ghi nhận năm 2021.

Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc đã giảm trong một thời gian dài do các cặp vợ chồng trẻ trì hoãn hoặc không sinh con trong bối cảnh suy thoái kinh tế và giá nhà cao.

Năm ngoái, độ tuổi trung bình của các sản phụ tại nước này là 33,5 tuổi, tăng 0,2 tuổi so với năm 2021. Phụ nữ sinh con đầu lòng ở độ tuổi trung bình là 33; sinh con thứ hai và thứ ba lần lượt ở độ tuổi 34,2 và 35,6 tuổi.

Báo cáo của KOSTAT cho thấy trong năm 2022, trung bình cứ 1.000 phụ nữ Hàn Quốc cuối lứa tuổi 20 chỉ có khoảng 24 người sinh con, giảm 3,5 người so với năm 2021. Trái lại, ở cuối độ tuổi 30, con số này năm 2022 là 44 người, tăng 0,5 so với một năm trước đó.

KOSTAT cho biết thêm rằng 31,5% số cặp vợ chồng mới cưới sinh con đầu lòng trong vòng 2 năm.

Theo kết quả một khảo sát do hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) công bố hồi tháng 2/2023, chỉ có 4% phụ nữ độc thân ở độ tuổi 20 và đầu độ tuổi 30 tại Hàn Quốc cho rằng việc kết hôn và sinh con là cần thiết.

Vì sao đề xuất nghỉ phép chăm con bắt buộc của Hàn Quốc gây tranh cãi? ảnh 3Một cặp đôi chụp ảnh bên hoa anh đào nở rộ ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khảo sát cũng chỉ ra 12,9% nam giới độc thân trong cùng độ tuổi đồng ý rằng kết hôn và sinh con là việc cần làm với phụ nữ. Khoảng 53,2% người được hỏi là nữ giới tin rằng kết hôn và sinh con không quan trọng với phụ nữ, trong khi tỷ lệ có câu trả lời tương tự ở nam giới là 25,8%.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, dân số Hàn Quốc được dự báo sẽ giảm từ 52 triệu người hiện nay xuống 38 triệu người vào năm 2070 trong bối cảnh nhiều người dân nước này không muốn kết hôn.

Những năm vừa qua, Hàn Quốc đã đưa ra nhiều chính sách nhằm đối phó với tỷ lệ sinh thấp và tình trạng già hóa dân số. Tuy nhiên, thay vì được cải thiện, vấn đề tỷ lệ sinh thấp lại đang ngày một trở nên nghiêm trọng hơn, được cho là vấn đề xã hội lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục