Vì sao Việt Nam vẫn chưa có Huy chương Vàng tại ASIAD 2018

5 trong số 12 niềm hy vọng của đoàn thể thao Việt Nam đã ra trận, nhưng việc đi tìm Huy chương Vàng ngày càng khó và cơn khát “Vàng” thì ngày một trầm trọng hơn.
Vì sao Việt Nam vẫn chưa có Huy chương Vàng tại ASIAD 2018 ảnh 1Nữ võ sỹ Hoàng Thị Phương Giang (phải) giành Huy chương Đồng nội dung trường quyền nữ tại ASIAD 2018 ở Jakarta, Indonesia ngày 22/8. Ảnh: (Nguồn: THX/TTXVN)

Kết thúc ngày thi đấu chính thức thứ tư của Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2018, đoàn Thể thao Việt Nam vẫn chưa thể có được tấm Huy chương Vàng đầu tiên.

Có 5 trong số 12 niềm hy vọng đã ra trận, nhưng việc đi tìm Huy chương Vàng ngày càng khó và cơn khát “Vàng” thì ngày một trầm trọng hơn.

Tận mắt chứng kiến những cuộc thi đấu tại ASIAD mới có thể cảm nhận được sự quyết liệt và khắc nghiệt tới mức độ nào ở sân chơi châu lục.

Đại hội diễn ra theo chu kỳ 4 năm 1 lần nên hầu hết các tuyển thủ của toàn bộ các đoàn thể tham dự đều tới đây với sự chuẩn bị tốt nhất, kỹ lưỡng nhất với mục tiêu giành nhiều nhất số huy chương mà họ có thể, chứ chưa nói đến chuyện ở một số môn, một số nội dung vô địch ASIAD có trình độ tương đương với vô địch Olympic.

Quyết tâm cao của các vận động viên khiến cho các cuộc thi đấu tại Á vận hội có thừa sự quyết liệt về chuyên môn và tại đây không có chỗ cho bất cứ sai lầm nào - dù chỉ là nhỏ nhất - nếu muốn có được một tấm huy chương.

Trong bối cảnh này, các tuyển thủ của đoàn thể thao Việt Nam đương nhiên sẽ đối đầu với rất nhiều khó khăn và thử thách.

Về trình độ, hầu hết các niềm hy vọng nói riêng hay đại đa số tuyển thủ nói chung đều chỉ tương đương nếu không muốn nói là còn thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh.

[Tường thuật trực tiếp ASIAD ngày 22/8: Việt Nam hụt HCV đáng tiếc]

Điều này dẫn tới tâm lý của các tuyển thủ Việt Nam thiếu ổn định, thiếu tự tin khi vào cuộc và cùng với áp lực tâm lý quá lớn từ nhiệm vụ “phải” giành huy chương cũng như sự kỳ vọng của người hâm mộ, khiến cho rất nhiều tuyển thủ không còn là chính mình khi bước lên sàn đấu.

Như thế mới có chuyện, 5 trong số 12 niềm hy vọng cạnh tranh Huy chương Vàng đã ra trận đều không thể giành được thành tích như kỳ vọng như trường hợp của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), lực sỹ Thạch Kim Tuấn (cử tạ), võ sỹ Dương Thúy Vi (Wushu), kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), cuarơ Nguyễn Thị Thật (xe đạp).

Thành tích của các gương mặt này đều đã được khẳng định trong suốt thời gian qua nhưng khi bước vào thi đấu rất nhiều sai số vẫn xuất hiện bắt nguồn từ áp lực tâm lý hoặc thua kém đối thủ về chuyên môn một cách “tâm phục, khẩu phục.”

Nếu trước giờ lên đường, ngành thể thao tỏ ra đầy tự tin khi nói về mục tiêu giành tối thiểu 3 Huy chương Vàng tại kỳ đại hội lần này nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản và có tới 12 niềm hy vọng - đông nhất về số lượng tuyển thủ có thể cạnh tranh so với các kỳ đại hội gần nhất.

Nhưng đến lúc này, số hy vọng chỉ còn lại già nửa và cơn khát “Vàng” cũng đã bắt đầu tăng cấp độ.

Sự rơi rụng của những gương mặt kỳ cựu như trường hợp của nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh hay nhà đương kim vô địch ASIAD Dương Thúy Vi trong hành trình tìm kiếm Huy chương Vàng đủ cho thấy, không có gì có thể nói trước ở mỗi cuộc thi đấu với bất cứ hy vọng nào.

Tính toán là việc của chúng ta. Tuyển thủ Việt Nam có tiến bộ. Nhưng thực tế thi đấu lại hoàn toàn khác biệt và đối thủ cũng tiến bộ không ngừng.

Thất bại của 5 niềm hy vọng trong 4 ngày thi đấu đầu tiên khiến các vận động viên và lãnh đạo đội không tránh khỏi áp lực đang đợi họ phía trước, và đây mới là lý do đáng ngại nhất cho đoàn Thể thao Việt Nam trong những ngày còn lại trên đất Indonesia.

Chắc chắn, sẽ không có “cơn mưa Vàng” mà người hâm mộ từng được chứng kiến như mỗi khi đoàn thể thao Việt Nam làm nhiệm vụ tại SEA Games vì những lý do nói trên.

ASIAD là một sân chơi quá khắc nghiệt mà ở đó, trước hết, các tuyển thủ của đoàn thể thao Việt Nam cần phải thắng được chính mình trước khi nghĩ tới chuyện đánh bại đối thủ.

Khi nhiều niềm hy vọng ở các môn thể thao Olympic chưa thể gây được bất ngờ, các môn võ thuật như Karatedo và Pencak Silat được hy vọng sẽ là cứu cánh cho đoàn thể thao Việt Nam trong các cuộc thi đấu tới đây.

Dù vậy, chúng ta vẫn rất chờ đợi một khoảnh khoắc lóe sáng ở môn điền kinh, thể dục dụng cụ hoặc Taekwondo khi các nội dung thế mạnh của đoàn thể thao Việt Nam vẫn chưa bước vào thi đấu.

Hy vọng, tín hiệu vui sẽ xuất hiện sớm để giải tỏa áp lực tâm lý cho toàn bộ các thành viên của đoàn. Chỉ cần có được 1 tấm Huy chương Vàng đầu tiên, mọi chuyện có thể sẽ khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục