Viết luận về Ninja bằng mực tàng hình, nữ sinh Nhật giành điểm tối đa

Khi giáo viên lịch sử tại trường Đại học Mie yêu cầu viết một báo cáo về chuyến tham quan Bảo tàng Ninja Iga-ryu, nữ sinh viên Eimi quyết định viết một bài luận bằng tất cả niềm đam mê và sự sáng tạo.
Viết luận về Ninja bằng mực tàng hình, nữ sinh Nhật giành điểm tối đa ảnh 1Nữ sinh Nhật Bản Eimi Haga và bài luận độc đáo bằng mực tàng hình. (Nguồn: BBC)

Để thể hiện đúng tính chất bí ẩn của Ninja, nữ sinh Nhật Bản Eimi Haga đã dùng một loại mực tàng hình để hoàn thành bài luận của mình và cô đã giành điểm tối đa cho sự sáng tạo đó.

Khi giáo viên lịch sử tại trường Đại học Mie yêu cầu viết một báo cáo về chuyến tham quan Bảo tàng Ninja Iga-ryu, nữ sinh viên Eimi quyết định viết một bài luận bằng tất cả niềm đam mê và sự sáng tạo với đề tài này.

Sản phẩm của cô độc đáo đến mức ngay cả giáo viên cũng phải gãi đầu tự hỏi một lúc - một tờ giấy trắng tinh!

Trả lời truyền thông Nhật Bản, Eimi chia sẻ: “Khi giáo sư nói trước lớp rằng thầy ấy sẽ cộng điểm cho tính sáng tạo, tôi quyết định sẽ khiến bài luận của mình thật nổi bật. Tôi đã nghĩ ngợi rất lâu, và rồi nghĩ đến việc sử dụng aburidashi.”

[Phát hiện 1.000 sinh vật sống trong miệng cá mập voi tại Nhật Bản]

Viết luận về Ninja bằng mực tàng hình, nữ sinh Nhật giành điểm tối đa ảnh 2Bài luận độc đáo bằng mực tàng hình. (Nguồn: BBC)

Aburidashi là kỹ thuật làm mực tàng hình của Nhật Bản thường được dùng trong trao đổi mật thư. Eimi, người đã say mê ninja từ khi xem một bộ animelúc còn nhỏ, đã bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu kỹ thuật này.

Để làm mực tàng hình, cô phải ngâm đậu nành qua đêm, nghiền nát và dùng vải lọc bã rồi hòa với nước, đợi vài giờ để hỗn hợp nước đậu sệt vừa phải. Cuối cùng, cô dùng một cây bút lông để viết bài luận của mình trên loại giấy “washi” của Nhật Bản.

Khi cô nộp tờ giấy trắng, kể cả giáo sư cũng vô cùng ngạc nhiên. Giáo sư Yuji Yamada - người giảng dạy bộ môn lịch sử cho lớp Eimi nói: “Tôi đã từng nhìn thấy báo cáo viết bằng mật mã nhưng chưa bao giờ thấy ai sử dụng kỹ thuật aburidashi để làm bài cả. Thật lòng thì tôi đã từng nghi ngờ, liệu có dòng chữ nào hiện lên hay không? Nhưng khi đem hơ tờ giấy trước lửa, thật sự có chữ viết xuất hiện! Tôi rất hài lòng!”

Mặc dù chưa đọc hết bài luận vì muốn để lại một phần để cho truyền thông thấy trạng thái trước và sau khi hơ lửa của tờ giấy, giáo sư Yamada vẫn không ngần ngại cho Eimi điểm tuyệt đối cho sự sáng tạo của cô./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục