Vietnam Airlines định hình chiến lược để đem lại hiệu quả doanh thu

Với mạng bay quốc nội rộng khắp và mạng bay quốc tế đa dạng, Vietnam Airlines có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trong phân khúc khách trung bình và cao với dịch vụ 4 sao.
Đội tàu bay của hãng hàng không Vietnam Airlines. (Ảnh: Đức Anh)
Đội tàu bay của hãng hàng không Vietnam Airlines. (Ảnh: Đức Anh)

Vietnam Airlines đưa ra định hướng vừa kinh doanh trên phân khúc hàng không truyền thống với độ phủ hầu hết nhóm khách hàng có chi tiêu, thu nhập cao, vừa kết hợp toàn diện với Jestar Pacific kinh doanh trên cả nhóm khách hàng có chi phí thấp.

Trong ba năm 2013-2016, thị trường hàng không nội địa tăng trưởng ở mức 12,6-29,1% và mức tăng mạnh nhất diễn ra ở phân khúc hàng không giá rẻ (LCC) với thời điểm tăng đỉnh cao lên đến 38%. Còn hàng không truyền thống tăng ở mức ổn định và thấp bằng nửa con số này.

Kể từ năm 2017, thị trường hàng không Việt Nam chỉ tăng 9,9% và sang năm 2018 con số này chỉ còn là 6,9%. Một số ý kiến cho rằng, thị phần hàng không thời gian tới sẽ tăng trưởng chậm và gần đạt ngưỡng bão hòa.

Vậy, chiến lược kinh doanh của các hãng hàng không về doanh thu trung bình/khách và doanh thu trên những đường bay trục chính sẽ ra sao khi thời kỳ chạy theo sản lượng vận chuyển đã qua.

[Vietnam Airlines đặt tham vọng lãi khoảng 3.400 tỷ đồng trong năm 2019]

Theo Bản cáo bạch Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Jestar Pacific, Vasco) có tổng thị phần 55,3%, dẫn đầu ngành hàng không Việt Nam. Năm 2018, Vietnam Airlines đạt 98.950 tỷ đồng doanh thu và 3.312 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, doanh thu thuần từ ngành nghề kinh doanh vận tải hàng không đạt 96.810 tỷ đồng (chiếm 81,16%).

Với mạng bay quốc nội rộng khắp và mạng bay quốc tế đa dạng, Vietnam Airlines có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trong phân khúc khách trung bình và cao với dịch vụ 4 sao. Đây là nguồn khách hàng mang lại tăng trưởng 7% cho doanh nghiệp trong năm năm (2013-2018). Việc tăng trưởng 7% khách có doanh thu cao có giá trị gấp đôi tăng trưởng doanh thu chạy theo số lượng khách chỉ vì mục đích đầy tải mà không xét đến chi phí.

Tại các đường bay trục chính như Hà Nội-Sài Gòn-Đà Nẵng và đường bay quốc tế Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Vietnam Airlines không những dẫn đầu về số chuyến bay, giờ bay mà quan trọng nhất là chiếm lĩnh phân khúc khách hàng có doanh thu cao và doanh thu trung bình. Đơn của, trên đường bay Hà Nội-Sài Gòn, thống kê của hãng cho thấy có 48% khách bay trên Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines thực hiện chính sách thống lĩnh nhóm khách hàng có doanh thu trung bình, doanh thu cao thể hiện đường hướng chiến lược kinh doanh đúng hướng sau cổ phần hóa và cạnh tranh thực sự với các hãng hàng không khác.

Mặt khác, hãng chủ động cắt giảm sản lượng vận chuyển theo nhu cầu thị trường, điều tải cung ứng linh hoạt để đảm bảo hiệu quả chung của toàn mạng và không bay bằng mọi giá để chạy theo số lượng. Đây cũng chính là lý do vì sao trong bốn năm sau cổ phần hóa và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (2015-2018), tổng sản lượng vận chuyển hành khách chỉ đạt 96,4% so với mục tiêu đặt ra trước đó, tổng doanh thu hợp nhất bốn năm cũng giảm (chỉ đạt 84,6%) so với kế hoạch nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất bốn năm tăng 111,5% so với kế hoạch.

Theo chiến lược này, Vietnam Airlines cũng thực hiện chiến lược đồng thương hiệu với Jetstar Pacific trên toàn bộ mạng bay nội địa, phối hợp toàn diện về sản phẩm, mạng bay, chính sách bán, tiếp thị… nhằm bao phủ dải sản phẩm, phục vụ mọi đối tượng khách hàng thông qua mạng bay và tần suất phối hợp, tiếp tục giữ thị phần nội địa của Vietnam Airlines Group ở mức chi phối. Trong đó, Jetstar Pacific tiếp tục là công cụ cạnh tranh ở phân thị giá thấp khi thị trường đang ở vào giai đoạn bùng nổ của hàng không giá rẻ.

Theo một chuyên gia kinh tế, nhiều hãng hàng không thế giới quyết định tham gia vào phân khúc giá rẻ bằng chiến lược thương hiệu kép như là một công cụ để bảo vệ thị phần hay nói cách khác là để tạo lá chắn trước sự tấn công của các giá rẻ, thay vì tham gia để kiếm lãi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục