Vụ phá rừng thông ven Quốc lộ 28: Sai phạm kéo dài, xử lý chậm trễ

Việc rừng thông cảnh quan trên địa bàn xã bị tàn phá, lấn chiếm có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do chủ rừng thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ.
Vụ phá rừng thông ven Quốc lộ 28: Sai phạm kéo dài, xử lý chậm trễ ảnh 1Rừng thông dọc Quốc lộ 28 bị cưa hạ, đốt trụi. (Ảnh: Anh Dũng/TTXVN)

Liên quan đến tình trạng rừng thông cảnh quan ven Quốc lộ 28, đoạn qua địa phận xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long (tỉnh Đắk Nông) bị tàn phá, hủy hoại thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông và chính quyền địa phương xã Quảng Sơn đưa ra nhiều nguyên nhân để lý giải.

Tuy nhiên, các giải pháp để xử lý, ngăn chặn vẫn còn bỏ ngỏ, kém hiệu quả.

Chủ rừng thiếu trách nhiệm

Theo Ủy ban Nhân dân xã Quảng Sơn, việc rừng thông cảnh quan trên địa bàn xã bị tàn phá, lấn chiếm có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do chủ rừng thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ.

Ông Đỗ Ngọc Hiếu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Sơn, cho biết phần lớn diện tích rừng thông cảnh quan trên địa bàn xã đã được bàn giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Nguyên Vũ quản lý từ cuối năm 2015, đầu năm 2016. Tuy là chủ rừng nhưng Công ty Nguyên Vũ rất thiếu trách nhiệm, cả trong việc tự quản lý, bảo vệ rừng lẫn phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

“Rất nhiều trường hợp rừng thông bị đốn hạ, cắt dọn trái phép nhưng chủ rừng không báo cáo với chính quyền địa phương. Nhiều vụ việc xã tự nắm được hoặc người dân báo lên nhưng khi cán bộ đến hiện trường xử lý cũng không thấy người của đơn vị chủ rừng. Nhiều lúc liên lạc bằng điện thoại cũng không được,” ông Hiếu nhấn mạnh.

Thêm nữa, mặc dù tổng diện tích rừng thông được giao quản lý, bảo vệ rộng, nhiều khu vực địa hình phức tạp nhưng đơn vị chủ rừng chỉ bố trí có một cán bộ thực hiện.

[Đắk Nông: Tan hoang rừng thông cảnh quan ven Quốc lộ 28]

Cũng theo Ủy ban Nhân dân xã Quảng Sơn, công tác quản lý, bảo vệ rừng thông trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn do một số vị trí rừng thông không rõ đơn vị nào quản lý. Hiện trên địa bàn xã có hai doanh nghiệp được giao quản lý, bảo vệ rừng thông cảnh quan là Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Nguyên Vũ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn, trong đó Công ty Nguyên Vũ quản lý phần lớn diện tích.

Tuy nhiên, một số vị trí, khu vực rừng thông, trong đó có nhiều điểm tiếp giáp với Quốc lộ 28 không rõ thuộc đơn vị nào quản lý. Do đó, nếu xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại các khu vực này, không đơn vị nào chịu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk G’Long, cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rừng thông cảnh quan ven Quốc lộ 28 đoạn qua xã Quảng Sơn bị tàn phá, lấn chiếm phức tạp như thời gian qua là do đất mặt tiền ở đây có giá trị cao. Mặc dù là đất lâm nghiệp được giao cho tư nhân thuê để thực hiện dự án quản lý, bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp nhưng nhiều khu vực đất rừng tại đây lại được sang nhượng, mua bán trái phép. Trong đó, một số khu vực gần trung tâm xã, giá mỗi mét đất mặt tiền hàng chục triệu đồng, thậm chỉ cả trăm triệu đồng.

“Mấy năm nay, có thông tin Quảng Sơn sẽ trở thành trung tâm của một huyện mới thành lập nên giá đất càng “sốt.” Tuy hiện nay chưa có kế hoạch về việc thành lập huyện mới nhưng giá đất tại đây vẫn chưa hạ nhiệt.

Vụ phá rừng thông ven Quốc lộ 28: Sai phạm kéo dài, xử lý chậm trễ ảnh 2Rừng thông dọc Quốc lộ 28 bị cưa hạ, đốt trụi. (Ảnh: Anh Dũng/TTXVN)

Các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng có nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt các cơ quan chức năng. Việc này như được “tiếp sức” khi đơn vị chủ rừng buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý,” ông Nguyễn Văn Hợp phân tích thêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bên cạnh việc tàn phá, lấn chiếm, việc mua bán, sang nhượng đất rừng thông cảnh quan tại xã Quảng Sơn cũng khá “sôi động,” trong đó nhiều đối tượng liên quan là cán bộ, đảng viên tại địa phương. Nhiều mảnh đất được mua bán, sang nhượng trái phép với diện tích lớn và trị giá từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Thanh tra toàn diện để xử lý nghiêm minh

Theo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, tổng diện tích rừng thông Công ty Nguyên Vũ được bàn giao để thực hiện Dự án quản lý, bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp vào cuối năm 2015, đầu năm 2016 là 162ha, trong đó 158ha có rừng. Sau hơn ba năm thực hiện dự án, tổng diện tích rừng thông cảnh quan bị mất, bị phá là 36,34 ha, chiếm 23%.

Tuy nhiên, theo thông tin phóng viên được biết, tổng diện tích rừng thông trên lâm phần được giao cho Công ty Nguyên Vũ quản lý bị tàn phá lên đến gần 50ha; trong đó, từ đầu năm 2018 đến nay đã có tám vụ phá rừng thông bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Vụ phá rừng thông ven Quốc lộ 28: Sai phạm kéo dài, xử lý chậm trễ ảnh 3Các chòi tôn được dựng lên nhằm lấn chiếm đất lâm nghiệp tại rừng thông dọc Quốc lộ 28. (Ảnh: Anh Dũng/TTXVN)

Liên quan đến vụ việc này, tháng 7/2017, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông đã ký quyết định thanh tra toàn diện Dự án quản lý bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp của Công ty Nguyên Vũ, đơn vị quản lý phần lớn diện tích rừng thông cảnh quan tại xã Quảng Sơn. Mặc dù thời hạn thanh tra theo kế hoạch là 30 ngày nhưng đến tháng 3/2018, ngành chức năng vẫn chưa ban hành kết luận thanh tra.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Mậu Dũng, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông cho biết: rất nhiều nội dung trong kết luận thanh tra vẫn còn chờ ý kiến giải trình của các đơn vị liên quan; nhiều nội dung khác phải chờ ý kiến của các cơ quan chức năng nên đến nay vẫn mới dừng lại ở dự thảo, chứ chưa có kết luận chính thức.

Cũng theo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, trong quá trình thanh tra, đơn vị đã xác định một số sai phạm, chậm trễ nghiêm trọng của đơn vị chủ rừng trong thực hiện dự án cũng như quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, nổi bật là đơn vị chủ rừng cam kết xây dựng chín trạm quản lý, bảo vệ rừng nhưng đến nay mới xây dựng được hai trạm và một văn phòng.

Về nhân sự, dù số lượng nhân viên tối thiểu đảm bảo cho công tác quản lý, bảo vệ rừng là 9-10 người, nhưng thực tế đơn vị không bố trí đủ. Khi Thanh tra Sở tiến hành thanh tra dự án theo chức năng, nhiệm vụ, đơn vị chủ rừng không phối hợp, cả trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan lẫn kiểm tra, xác nhận thực địa...

Ông Trần Mậu Dũng cho biết thêm tình trạng rừng thông ven Quốc lộ 28 nói chung và phần lớn diện tích thuộc dự án của Công ty Nguyên Vũ bị tàn phá, lấn chiếm như thời gian qua trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng, kế đến là kiểm lâm và chính quyền địa phương. Việc ranh giới, địa giới rừng thông một số khu vực không rõ ràng, không rõ thuộc quyền quản lý của đơn vị nào thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường do đã không xác định ranh giới cụ thể trên thực địa khi tiến hành bàn giao đất. Chính quyền địa phương khi phát hiện tình trạng này cần kiến nghị về Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân huyện để sớm khắc phục, giải quyết.

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông khẳng định việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng thông phòng hộ ven Quốc lộ 28 đang có nhiều chuyển biến, hiệu quả tích cực. Nổi bật là cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam hai đối tượng cộm cán chuyên tổ chức phá rừng, lấn chiếm đất rừng là Phan Thành Nghĩa và Lê Đình Thi (đều ngụ tại xã Quảng Sơn) vào cuối tháng Hai vừa qua để điều tra hành vi “hủy hoại rừng” theo quy định của Bộ luật Hình sự. Đây là việc làm nghiêm minh, có ý nghĩa răn đe rất lớn đối với các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục