WB kêu gọi tư nhân đầu tư sâu rộng vào hạ tầng địa phương

Một cơ chế cấp vốn bền vững cho phát triển hạ tầng địa phương không thể chỉ dựa vào ngân sách mà cần có sự tham gia của khu vực tư nhân.

Chiều 11/3, tại Hà Nội, nhóm chuyên gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (WB) do ông Đặng Đức Cường chủ trì đã công bố báo cáo "Đánh giá khung tài trợ cho cơ sở hạ tầng địa phương ở Việt Nam".

Theo báo cáo, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong giai đoạn 1990-2010 đã mang lại quá trình đô thị hóa nhanh chóng và tăng trưởng cao với tốc độ bình quân 7,3%/ năm. Thành tựu này đã mang lại kết quả là thu nhập bình quân đầu người tăng 5 lần. Việt Nam cũng đi theo lộ trình phân cấp tài khóa, trao nhiều quyền tự chủ hơn về tài chính công và phát triển hạ tầng cho chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình phân cấp cũng vấp phải những khó khăn nhất định, trong đó phải kể đến khoảng cách ngày càng lớn giữa các tỉnh, đa dạng trong năng lực quản lý hành chính cấp địa phương và trách nhiệm giải trình chưa đủ mạnh.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, thách thức cơ bản đối với Việt Nam hiện nay là làm sao tăng cường được khả năng cấp vốn và nâng cao hiệu quả đầu tư hạ tầng, trong đó có những khó khăn và cả cơ hội.

Bà Jennifer Sara, Giám đốc Ban phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, đầu tư hạ tầng hiện nay không hiệu quả chính là cơ hội để nâng cao hiệu quả, có nghĩa là làm được nhiều hơn nữa với cùng một nguồn lực không đổi. Cần sử dụng các cơ chế thị trường mạnh mẽ hơn, không chỉ nhằm thu hút đầu tư và tham gia của khu vực tư nhân nhiều hơn nữa.

"Một cơ chế cấp vốn bền vững cho phát triển hạ tầng địa phương tại Việt Nam không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước và vốn ODA mà đòi hỏi sự tham gia sâu rộng hơn nữa của thị trường vốn và khu vực tư nhân,” bà Jennifer Sara nhận định.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới cho biết: “Thách thức đồng thời cũng là một cơ hội cho Việt Nam. Phần lớn nhu cầu vốn có thể được thỏa mãn từ việc sử dụng nguồn lực sẵn có một cách hiệu quả hơn.”

Đại diện WB cũng nhận định: “Thành công của bất kỳ sáng kiến cải thiện việc cấp vốn hạ tầng địa phương ở Việt Nam gắn liền với những bước tiến trong bối cảnh lớn hơn của cải cách chính sách, là một phần trong chương trình phát triển dài hạn của đất nước. Chỉ có cách tiếp cận tổng thể, giải quyết các vấn đề về quản trị điều hành, cấp vốn và thực thi thì mới có thể vượt qua được các thách thức này.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục