WTO: Các quốc gia đang thúc đẩy nhập khẩu với quy mô lớn

Các thành viên WTO thực hiện các biện pháp thúc đẩy nhập khẩu với quy mô lớn và hiện nay đã bắt đầu giảm các biện pháp hạn chế thương mại được đưa ra trước đó.
WTO: Các quốc gia đang thúc đẩy nhập khẩu với quy mô lớn ảnh 1Cảng hàng hóa Los Angeles, bang California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Báo cáo giữa năm của Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevêdo về các phát triển liên quan đến thương mại thế giới, nhấn mạnh các biện pháp hạn chế nhập khẩu của các thành viên WTO tiếp tục ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, song các thành viên WTO cũng thực hiện các biện pháp thúc đẩy nhập khẩu với quy mô lớn và hiện nay đã bắt đầu giảm các biện pháp hạn chế thương mại được đưa ra trước đó.

Về điểm tiêu cực, báo cáo cho biết 56 biện pháp hạn chế thương mại mới không liên quan đến đại dịch COVID-19 đã được thực hiện trong khoảng thời gian từ giữa tháng 10/2019 đến giữa tháng 5/2020, chủ yếu là các biện pháp tăng thuế, cấm nhập khẩu, thuế xuất khẩu và các thủ tục hải quan liên quan đến xuất khẩu chặt chẽ hơn.

Đáng chú ý, các hạn chế nhập khẩu mới ảnh hưởng đến lượng hàng hóa được mua bán trị giá 423,1 tỷ USD, giá trị hàng hóa bị ảnh hưởng cao thứ ba kể từ tháng 10/2012.

[EVFTA mở ra cơ hội đầu tư, cơ cấu lại chuỗi giá trị toàn cầu]

Theo tính toán của WTO, giá trị thương mại cộng dồn của các biện pháp hạn chế nhập khẩu được thực hiện từ năm 2009 đến nay là 1.700 tỷ USD tương đương 8,7% nhập khẩu toàn cầu, trong đó con số này hàng năm đã tăng nhanh kể từ năm 2009 cả ở khía cạnh giá trị và tỷ lệ phần trăm nhập khẩu toàn cầu.

Về những điểm tích cực, báo cáo cho rằng mặc dù các biện pháp hạn chế thương mại vẫn phổ biến, các thành viên WTO đang có xu hướng thực hiện chính sách thúc đẩy thương mại trên nhiều lĩnh vực, với 51 biện pháp thúc đẩy thương mại mới không liên quan đến đại dịch COVID-19 được triển khai.

Những biện pháp này chủ yếu bao gồm các biện pháp xóa bỏ hoặc giảm thuế nhập khẩu, đơn giản hóa thủ tục hải quan và giảm thuế xuất khẩu. Cũng theo báo cáo, giá trị thương mại của các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu không liên quan đến đại dịch COVID-19 ước đạt 739,4 tỷ USD cao hơn đáng kể so với con số 544,7 tỷ USD được ghi nhận tại báo cáo trước (từ giữa tháng 5 đến tháng 10/2019) và là con số cao thứ hai kể từ tháng 10/2012.

Theo WTO, từ giữa tháng 10/2019 đến giữa tháng 5/2020, các thành viên WTO đã thực hiện 363 biện pháp mới về thương mại hoặc liên quan đến thương mại, trong đó 198 biện pháp nhằm thúc đẩy thương mại và 165 biện pháp hạn chế thương mại.

Hầu hết các biện pháp này gồm 256/363 biện pháp (chiếm 71%) liên quan đến ứng phó với đại dịch COVID-19, trong số đó, 109 biện pháp hạn chế thương mại và 147 biện pháp nhằm thúc đẩy thương mại, theo đó 57% các biện pháp có liên quan đến đại dịch COVID-19 là thúc đẩy thương mại.

WTO: Các quốc gia đang thúc đẩy nhập khẩu với quy mô lớn ảnh 2Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về ảnh hưởng của đại dịch đối với thương mại, theo WTO, mặc dù được xây dựng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nhưng báo cáo chưa phản ánh được hết ảnh hưởng to lớn của đại dịch đối với thương mại.

Theo dữ liệu do WTO công bố vào ngày 22/6, ước tính quý 2/2020 thương mại toàn cầu giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Về các biện pháp hỗ trợ kinh tế nói chung, chỉ có 21% thành viên cung cấp thông tin cho WTO về các biện pháp này. Trên cơ sở thông tin nhận được và nghiên cứu của mình, WTO cho rằng trong thời kỳ báo cáo, các thành viên WTO dường như tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ kinh tế như một phần của chính sách thương mại tổng thể.

Trong thời kỳ báo cáo đã chứng kiến một số lượng chưa có tiền lệ về các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp do các thành viên WTO thực hiện nhằm ứng phó với những suy giảm về kinh tế và xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra. Hầu hết các biện pháp này mang tính chất tạm thời.

Các biện pháp này bao gồm các biện pháp tài khóa, tài chính, các biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cung cấp các khoản vay và bảo lãnh tín dụng.

Một số biện pháp là hỗ trợ một lần và một số biện pháp có thời gian giải ngân từ vài tháng đến ba năm. Một số trong những biện pháp này nằm trong chương trình giải cứu trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Về các biện pháp thương mại khác, báo cáo cũng đề cập về việc các thành viên WTO tiếp tục thông báo về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) và các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), với số lượng biện pháp nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái.

Từ ngày 1/2-15/5, 19 quốc gia thành viên WTO đã thông báo cho 29 biện pháp SPS được thực hiện để đối phó với đại dịch; trong khi bản chất của hầu hết các biện pháp này đã thay đổi, từ các hạn chế ban đầu đối với nhập khẩu động vật và/hoặc quá cảnh từ các khu vực bị ảnh hưởng và các yêu cầu chứng nhận bổ sung, chuyển sang các biện pháp hỗ trợ thương mại trong tháng 4 như sử dụng chứng chỉ điện tử để kiểm tra; 14 Thành viên WTO đã gửi 53 thông báo/thông tin liên lạc về các tiêu chuẩn và quy định để đối phó với đại dịch COVID-19, bao gồm nhiều loại sản phẩm thiết bị bảo vệ cá nhân, thiết bị y tế, vật tư y tế, thuốc và thực phẩm.

Các thành viên WTO tiếp tục sử dụng rộng rãi quy trình xem xét của Ủy ban Nông nghiệp và đưa ra tổng cộng 298 câu hỏi liên quan đến thông báo của các thành viên và về các vấn đề triển khai cụ thể; liên quan đến đại dịch COVID-19, 3 thành viên WTO đã thông báo cho ủy ban về 4 biện pháp tạm thời để đối phó với các mối đe dọa an ninh lương thực.

Báo cáo cũng đề cập các biện pháp thương mại có liên quan đến sở hữu trí tuệ (TRIPs), trong đó nhiều thành viên thi hành các biện pháp liên quan đến sở hữu trí tuệ nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển và phổ biến các công nghệ ngành y nhằm ứng phó COVID-19, giảm các yêu cầu thủ tục và gia hạn các thủ tục hành chính liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Về thúc đẩy đàm phán, báo cáo cũng nêu việc các thành viên tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán đặc biệt là về trợ cấp thủy sản, dựa trên quyết định của các thành viên tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 11 (MC11); đồng thời các nhóm thành viên cũng tiếp tục theo đuổi các thảo luận nhóm về các vấn đề khác, bao gồm thương mại điện tử, tạo thuận lợi đầu tư, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, quy định trong nước về dịch vụ và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Tuy nhiên, khả năng tham gia đàm phán cụ thể của các Phái đoàn tại Geneva đều bị hạn chế do các hạn chế về di chuyển và việc các nước đều tập trung ưu tiên ứng phó với đại dịch COVID-19.

Trên cơ sở các số liệu tại báo cáo, Tổng Giám đốc WTO nhấn mạnh, việc duy trì lưu chuyển thương mại và đầu tư quốc tế mở cửa là cực kỳ quan trọng đối với quá trình hồi phục nền kinh tế, doanh nghiệp và sinh kế trên toàn thế giới; để có sự hồi phục mạnh mẽ cần có nỗ lực và vai trò tập thể của các thành viên WTO; cần nỗ lực gấp đôi để duy trì tính minh bạch và có thể dự đoán trước của hệ thống thương mại đa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục