Xử lý nghiêm các vi phạm trong chứng nhận chất lượng phân bón

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo kiên quyết xử lý đến cùng sai phạm nghiêm trọng của 11 tổ chức, đơn vị doanh nghiệp được Cục Trồng trọt chỉ định chứng nhận chất lượng phân bón.
Xử lý nghiêm các vi phạm trong chứng nhận chất lượng phân bón ảnh 1Một lượng lớn phân bón sản xuất không có giấy phép chuẩn bị được đóng bao ở Đắk Lắk. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Liên quan đến việc Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển ​Nông thôn phát hiện sai phạm nghiêm trọng của 11 tổ chức, đơn vị doanh nghiệp được Cục Trồng trọt chỉ định chứng nhận chất lượng phân bón, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã chỉ đạo kiên quyết xử lý đến cùng, vi phạm đến đâu xử lý đến đấy, không có vùng cấm, không bao che, kể cả là xử lý hình sự.

Theo ông Nghiêm Phú Trường, Trưởng đoàn thanh tra, việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực phân bón, với 11 tổ chức hoạt động giám định chất lượng phân bón, Thanh tra Bộ cũng đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu Cục Trồng trọt thu hồi cả 11 giấy phép hoạt động giám định phân bón.

Đồng thời đề nghị Cục Trồng trọt chỉ đạo 11 tổ chức này thu hồi tất cả các chứng nhận hợp quy đã cấp sai, cấp chưa đúng, sau đó sẽ tiếp tục tham mưu chỉ đạo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố phối hợp quản lý thật chặt những sản phẩm đã được cấp chứng nhận hợp quy chưa đúng.

Ông Nghiêm Phú Trường nhận định, sai phạm của 11 tổ chức mà Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thanh tra mang cả yếu tố khách quan, chủ quan và cả yếu tố kinh tế.

Nhìn nhận dưới góc độ quản lý thì đây là hồi chuông cảnh báo, ngăn ngừa và răn đe với các doanh nghiệp, với cả hệ thống cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương đối với việc kiểm soát chất lượng phân bón.

Nhưng về hậu quả thì khó đánh giá vì không có sự liên quan trực tiếp giữa việc này với thực trạng phân bón kém chất lượng tràn lan hiện nay.

Với những vi phạm trong quá trình chỉ định đơn vị được quyền cấp chứng chỉ hợp quy phân bón, quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao thuộc trách nhiệm của Cục Trồng trọt, Thanh tra Bộ đã có 2 buổi làm việc với Cục Trồng trọt để làm rõ, đánh giá đúng bản chất của vấn đề.

Trên quan điểm thể hiện rõ trong kết luận thanh tra, Cục Trồng trọt phải tiến hành kiểm điểm, mức vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó, ông Nghiêm Phú Trường cho hay.

Theo ông Trường, việc vi phạm trong chứng nhận chất lượng phân bón và chất lượng phân bón lưu thông trên thị trường là hai phạm vi khác nhau.

Vi phạm trong hoạt động chứng nhận hợp quy phân bón không khẳng định được rằng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phân bón trên thị trường.

Việc chấp hành pháp luật trong việc chứng nhận hợp quy phân bón tách biệt với hoạt động quản lý chất lượng và đảm bảo chất lượng phân bón của các doanh nghiệp.

“Trên thực tế, số liệu chính thức để kết luận phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan đến mức nào, có bao nhiêu vụ bị xử lý, hình thức bị xử lý ra sao thì trong phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chưa có con số tổng hợp, bao quát này,” ông Nghiêm Phú Trường nói.

Đánh giá về nguyên nhân có thể dẫn đến sai phạm trên, ông Nghiêm Phú Trường cho rằng, quản lý nhà nước về phân bón trong giai đoạn này là giai đoạn chuyển đổi phương thức quản lý.

Giai đoạn trước khi Nghị định 113/2003/NĐ-CP về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón, Nghị định 191/2007/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 113/2003/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực là quản lý phân bón bằng danh mục.

Chỉ cần có tên sản phẩm được phép kinh doanh phân bón ở Việt Nam thì hàng hóa sẽ được đưa ra thị trường. Nhà nước quản lý hậu kiểm.

Từ khi Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 về quản lý phân bón có hiệu lực (ngày 1/2/2014), phương thức quản lý là bằng quy chuẩn kỹ thuật. Mọi phân bón khi ra thị trường đều phải phù hợp với quy chuẩn tương ứng.

“Đây là giai đoạn chuyển đổi phương thức quản lý. Chính vì vậy dẫn đến những lỗ hổng kể cả trong quản lý nhà nước đối với việc quản lý ngành phân bón cũng như việc chấp hành pháp luật của các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón,” ông Nghiêm Phú Trường đánh giá.

Mặt khác, hành lang kỹ thuật trong quản lý phân bón cũng chưa thực sự đầy đủ.

Dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rất nỗ lực hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật nhưng cũng chưa ban hành được. Điều này dẫn đến cách hiểu của các tổ chức chứng nhận trong quá trình thực hiện kiểm định chất lượng chưa đầy đủ, dẫn đến các vi phạm.

Trong quá trình điều tra vi phạm Thanh tra Bộ và Cục An ninh Nông nghiệp, nông thôn (A86), Bộ Công an có báo cáo và trao đổi thông tin về tình trạng vi phạm trong lĩnh vực phân bón.

Cục Trồng trọt đã chủ động rà soát hoạt động chất lượng phân bón cũng thấy có nhiều vi phạm.

Theo ông Nghiêm Phú Trường, qua thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực phân bón cho thấy những vi phạm đã được phát hiện là chứng nhận chất lượng ngoài phạm vi được chỉ định; hoạt động thử nghiệm của phòng phân tích được chỉ định đều làm vượt quá giới hạn; chứng nhận chất lượng cho những sản phẩm chưa được phép lưu hành tại Việt Nam…

Theo Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón, trong phạm vi quyền hạn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ quản lý các loại phân bón hữu cơ và phân bón khác và chiếm dưới 10% các sản phẩm phân bón.

Các loại phân bón vô cơ còn lại thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục