Chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy tăng 0,23% do ba nguyên nhân

Ngày 24/7, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 4,94% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy tăng 0,23% do ba nguyên nhân ảnh 1Thu hoạch lúa hè thu tại tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Ngày 24/7, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Bảy tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 4,94% so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng này đã khiến CPI trong 7 tháng qua nhích nhẹ 1,62% (so với tháng 12/2013) và tăng 4,8% so với bình quân cùng kỳ năm 2013.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy đã tăng tới 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung, với mức tăng từ 0,01%-0,44%. Theo đó, nhóm giao thông có chỉ số giá tăng cao nhất là 0,44%.

Đáng chú ý, mặc dù cả nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,26%, song chỉ số giá lương thực tháng Bảy lại giảm 0,63% so với tháng Sáu, do vụ lúa Đông Xuân ở Miền Bắc đã thu hoạch xong với năng suất khá cao. Thêm vào đó, vụ Hè Thu ở các tỉnh miền Nam cũng đang vào mùa thu hoạch nên nguồn cung dồi dào làm cho giá gạo tiếp tục giảm.

Giá gạo giảm chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, gạo tẻ thường giảm từ 700- 1.000 đồng/kg, gạo tẻ ngon giảm 600-800 đồng/kg. Các tỉnh phía Nam giá gạo tăng nhẹ do Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu 800.000 tấn gạo với Philippine và 200.000 tấn gạo với Malaysia.

Tại miền Bắc giá gạo tẻ thường ở mức 9.500đ-11.300 đồng/kg, miền Nam giá gạo tẻ thường 6700 - 8500 đồng/kg, gạo tẻ ngon từ 14.000đ- 15.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, chỉ số thực phẩm lại có mức tăng cao 0,58%, do ảnh hưởng từ chi phí vận chuyển tăng và một số loại rau củ quả trái vụ nên giá một số mặt hàng thực phẩm tăng cao hơn tháng trước.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Giá, Tổng cục Thống kê, CPI tháng này tăng do ba nguyên nhân. Tháng này đã diễn ra các kỳ thi đại học ở các tỉnh, thành phố cộng với thời tiết nắng nóng, nên nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giải khát, dịch vụ giao thông công cộng tăng làm cho giá các mặt hàng này tăng theo.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng 0,87% so với tháng trước (tăng giá hai đợt ngày 23/6/2014 và ngày 7/7/2014) đã đóng góp vào CPI chung khoảng 0,04%. Giá xăng dầu tăng tác động chi phí vận chuyển tăng làm cho giá một số loại thực phẩm và dịch vụ giao thông công cộng tăng theo.

Ngoài ra, giá gas trong tháng Bảy cũng tăng 0,71% do ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh ngày 1/6/2014 và cước vận chuyển tăng.

“Bên cạnh những yếu tố gây tăng giá nêu trên cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế CPI trong tháng, như giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định, nguồn cung hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào,” bà Ngọc cho biết.

Trong tháng Bảy, chỉ số giá vàng trong nước tăng 1,38%, do biến động theo giá vàng thế giới (giá vàng giao ngay ngày 15/7 khoảng 1.350 USD/ounce là mức tăng cao nhất trong hơn 3 tháng qua do những lo ngại về sự suy yếu của ngành Ngân hàng Bồ Đào Nha và những căng thẳng về chính trị ở Ukraine).

Chỉ số giá USD trong tháng cũng tăng 0,36% do tỷ giá liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 1% kể từ ngày 19/6/2014 (từ mức 21.036 lên mức 21.458 VND/USD,) cùng với nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu của các Doanh nghiệp sản xuất tăng nên đã đẩy giá USD trên thị trường tự do tăng theo đạt mức gần 21.400 VND/USD./.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy tăng 0,23% do ba nguyên nhân ảnh 2
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục