Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya bị cấm tới thủ đô Tripol

Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Libya Martin Kobler cho biết chính phủ tự xưng ở thủ đô Tripoli đã từ chối cho phép ông tới thành phố này.
Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya bị cấm tới thủ đô Tripol ảnh 1Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Libya Martin Kobler. (Nguồn: un.org)

Ngày 23/3, Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Libya Martin Kobler cho biết chính phủ tự xưng ở thủ đô Tripoli đã từ chối cho phép ông tới thành phố này.

Trên tài khoản cá nhân Twitter, ông Kobler cho biết ông đến Tripoli để thúc đẩy việc đưa chính phủ đoàn kết dân tộc Libya được Liên hợp quốc ủng hộ về chuyển về thủ đô Tripoli, nhằm "mở đường cho hòa bình," song đã phải hủy chuyến bay công vụ này.

Ông Kobler cũng nhấn mạnh Liên hợp quốc phải có quyền đến Tripoli. Chính quyền tại Tripoli không nói rõ lý do hủy chuyến thăm của đặc phái viên Liên hợp quốc.

Từ giữa năm 2014, tại Libya tồn tại hai chính phủ và hai quốc hội đối địch. Chính phủ do Quốc hội được quốc tế công nhận bầu ra đã buộc phải chuyển tới Tobruk ở miền Đông sau khi lực lượng Hồi giáo Bình minh Libya chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ mới với sự ủng hộ của cơ quan lập pháp đã mãn nhiệm.

Thỏa thuận chia sẻ quyền lực, theo đó thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc đặt trụ sở tại Tripoli, đã được ký kết dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc tại Maroc hồi tháng 12/2015. Hiện Liên hợp quốc đang hối thúc các bên đối địch chính thức chấp thuận chính phủ này.

Ngày 12/3, Hội đồng Tổng thống Libya thông báo chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ tiếp quản quyền lãnh đạo trên cơ sở một bản kiến nghị của các nghị sỹ thuộc quốc hội được quốc tế công nhận.

Tháng trước, 100 nghị sỹ quốc hội này đã bày tỏ ủng hộ chính phủ đoàn kết dân tộc, song cho biết họ đã bị ngăn cản tham gia bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ này. Hội đồng Tổng thống Libya cho rằng việc đa số nghị sỹ ký kiến nghị yêu cầu chính phủ hoạt động tương đương với phiếu tín nhiệm.

Tuy nhiên, ngày 18/3 vừa qua, chính phủ ở Tobruk tuyên bố phản đối "các biện pháp của một số bên quốc tế muốn áp đặt chính phủ đoàn kết dân tộc," cho rằng những bước đi này sẽ "làm phức tạp thêm" cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya và gây chia rẽ sâu sắc hơn đất nước này.

Chính phủ tự xưng tại Tripoli cũng đã tuyên bố chính phủ đoàn kết dân tộc mới không được hoan nghênh tại Tripoli./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục