Hy Lạp đối mặt với nguy cơ "rỗng túi" nếu không được cứu giúp

Liên minh châu Âu cho biết Hy Lạp sẽ rơi vào cảnh "rỗng túi" vào ngày 8/4 tới nếu không nhận được các khoản tiền bổ sung từ các thể chế tiền tệ quốc tế
Hy Lạp đối mặt với nguy cơ "rỗng túi" nếu không được cứu giúp ảnh 1Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo Toàn cảnh Frankfurt Chủ Nhật của Đức dẫn tính toán của Liên minh châu Âu cho biết Hy Lạp sẽ rơi vào cảnh "rỗng túi" vào ngày 8/4 tới nếu không nhận được các khoản tiền bổ sung từ các thể chế tiền tệ quốc tế.

Theo nguồn tin này, đây chính là lý do khiến Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phải nhanh chóng nhất trí về danh mục cải cách với các chủ nợ quốc tế để có thể nhận được nguồn tiền mới, khi ông Tsipras cũng chỉ còn hơn hai tuần để có thể đàm phán về vấn đề này.

Các nguồn tin ngoại giao từ Brussels cho biết từ ngày 9/4, Ủy ban châu Âu sẽ xếp thực trạng tài chính của Chính phủ Hy Lạp ở mức "nguy kịch." Athens cũng sẽ phải thanh toán khoản tín dụng trị giá 467 triệu euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Các chuyên gia Ủy ban châu Âu nhận định Chính phủ Hy Lạp lúc này sẽ phải viện tới cả lượng tiền mặt của các quỹ xã hội và doanh nghiệp nhà nước.

Những áp lực nêu trên sẽ càng gây sức ép đối với Thủ tướng Tsipras, buộc ông cho tới ngày 8/4 phải đàm phán thành công với các chủ nợ gồm Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để có thể nhận khoản tín dụng trị giá 7,2 tỷ euro.

Ngày 23/3, trong khuôn khổ chuyến thăm Đức lần đầu tiên, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà Angela Merkel về cuộc khủng hoảng nợ hiện nay của Hy Lạp cũng như các vấn đề song phương và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

Phát biểu họp báo chung sau cuộc thảo luận kéo dài một giờ, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị và gần gũi giữa hai nước, khẳng định mong muốn hợp tác giữa Đức và Hy Lạp trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau.

Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh Berlin sẽ tiếp tục hối thúc Hy Lạp tiến hành cải cách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, hướng tới tăng trưởng và giải quyết nạn thất nghiệp ở mức cao, đặc biệt ở lứa tuổi thanh niên. Ngoài ra, Athens cũng cần tiến hành cải cách cấu trúc, có chính sách ngân sách bền vững và một chính quyền vận hành tốt.

Liên quan tới yêu cầu Đức bồi thường chiến tranh cho Hy Lạp, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh rằng vấn đề này đã được giải quyết cả về mặt chính trị và pháp lý, đồng thời khẳng định Chính phủ Đức luôn ý thức về những tội ác mà Đức Quốc xã gây ra trước đây. Bà cũng cho biết hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về việc thành lập Quỹ Tương lai Đức-Hy Lạp.

Về phần mình, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm đối với việc tăng cường hiểu biết giữa chính phủ hai nước, đồng thời khẳng định đối thoại là biện pháp duy nhất để có thể vượt qua những khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, ông cho biết chương trình cứu trợ cho Hy Lạp được thực hiện 5 năm qua chưa mang lại thành công, thậm chí còn có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Hy Lạp. Cụ thể, Hy lạp đã mất 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP); tỷ lệ thất nghiệp cao (lên tới 60% ở lứa tuổi thanh niên); nợ công tăng mạnh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế giảm sút.

Thủ tướng Hy Lạp cũng cho rằng vấn đề bồi thường chiến tranh và tín dụng cưỡng chế trước đây cho Đức Quốc xã thuộc "phạm trù đạo đức", không liên quan tới khủng hoảng nợ hiện nay của Athens. Ông khẳng định không có một thành viên Chính phủ nào ở Athens có ý định tịch biên tài sản của Đức tại Hy Lạp.

Quan hệ giữa Đức và Hy Lạp xuất hiện những căng thẳng sau khi đảng Syriza của Thủ tướng Tsipras giành chiến thắng và lập liên minh cầm quyền ở Hy Lạp sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua, đặc biệt liên quan tới tuyên bố của Chính phủ Hy Lạp về xem xét lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng được chính quyền tiền nhiệm thực hiện.

Trước chuyến thăm của ông Tsipras, tờ Thời báo tài chính của Đức ngày 23/3 đã đăng một bức thư mật của Thủ tướng Tsipras gửi bà Merkel đề ngày 15/3, trong đó có nội dung kêu gọi Đức dành cho Hy Lạp gói cứu trợ thứ ba cũng như xóa nợ cho nước này.

Trong thư, ông Tsipras cũng bày bỏ quan ngại về những diễn tiến kể từ Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 20/2 vừa qua, những quan ngại về tình hình Hy Lạp, việc không thể tiếp cận với thị trường tiền tệ cũng như những khó khăn liên quan trách nhiệm thanh toán nợ của Hy Lạp.

Trong khi đó, những chi tiết trong gói đề xuất cải cách của Hy Lạp đã dần được báo chí Đức tiết lộ với việc Chính phủ Hy Lạp dự định tăng thuế, tiến hành hoạt động tư nhân hóa, truy thu tiền trốn thuế, nâng độ tuổi về hưu lên 67 tuổi. Ngoài ra, Hy Lạp còn có ý định nâng thuế giá trị gia tăng với ngành du lịch nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục