Kiến nghị giảm 35% phí xe container trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng

Mức phí xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container loại 40feet (loại 5) trong năm 2016 trên đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có thể sẽ giảm 35%.
Kiến nghị giảm 35% phí xe container trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng ảnh 1Tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng nhìn từ trên cao. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI-nhà đầu tư đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng) vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận việc tạm thời giảm 35% mức phí xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container loại 40feet (loại 5) từ ngày 1/4 tới và áp dụng trong năm 2016.

Sau năm 2016, căn cứ lưu lượng xe lưu thông, VIDIFI sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cho điều chỉnh mức phí xe loại 5 cho phù hợp.

Theo đó, mức phí cao nhất đối với xe tải loại 5 áp dụng từ nút giao vành đai III đến nút giao ĐT 356 (Đình Vũ) và ngược lại là 760.000 đồng (giảm 80.000 đồng so với biểu giá thu phí được điều chỉnh tăng từ ngày1/4 tới).

Kiến nghị giảm 35% phí xe container trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng ảnh 2Biểu mức thu phí đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng áp dụng đối với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40feet (loại 5).

Lý giải về việc điều chỉnh giảm giá cước đối với xe tải này, lãnh đạo VIDIFI cho biết, theo thống kê lưu lượng xe kể từ khi đưa toàn tuyến vào khai thác đến nay, lưu lượng xe loại 5 lưu thông trên đường cao tốc khá thấp, chỉ đạt 102.000 lượt xe/ tổng số 1,3 triệu lượt xe (tương đương 7,65%) và bằng 15% so với lượng xe loại này lưu thông trên Quốc lộ 5.

Nói rõ hơn về nguyên nhân của tình trạng trên, lãnh đạo VIDIFI chỉ ra thực tế, hầu hết các khu công nghiệp, nhà máy hiện nay đều nằm dọc hai bên Quốc lộ 5; việc kiểm soát tải trọng xe của đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng thực hiện triệt để, chặt chẽ hơn Quốc lộ 5; mức phí đường cao tốc từ Hà Nội đến Hải Phòng đối với xe loại 5 cao gấp 2,62 phí lưu thông đường Quốc lộ 5; giá xăng rẻ, nhiều lái xe chấp nhận đi đường vòng, đi vào các đường địa phương, đường tỉnh lộ để tránh trạm thu phí.

Trước đó, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam cho biết sẽ điều chỉnh tăng mức thu phí sử dụng đường bộ đối với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Quốc lộ 5 từ ngày 1/4 tới đây.

Theo đó, mức phí cao nhất của tuyến đường cao tốc này là 840.000 đồng/lượt và Quốc lộ 5 là 200.000 đồng/lượt.

Đề cập về việc tăng phí sẽ làm gia tăng xe tải trốn trạm thu phí, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIDIFI nhìn nhận, lái xe tránh trạm phí thì càng lãi do chủ xe khoán xe chạy. Để xử lý việc này, các đường tỉnh lộ địa phương sẽ hạn chế tải trọng xe theo thiết kế cấp cầu, đường (trừ Quốc lộ 391).

Trả lời về việc chống xe quá tải trên Quốc lộ 5, ông Chiến đánh giá, tuyến đường này chỉ kiểm soát được mức độ xe quá tải chứ không thể tuyệt đối. Bởi lẽ, mặt đường chật hẹp nên muốn cân xe phải lựa chọn vị trí phù hợp cũng như sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan.

“Tuy nhiên, nếu sửa đường mà cứ để xe quá tải đi vào thì lấy tiền đâu mà sửa? Do đó, phải chống loại xe này bằng cách thành lập các trạm cân lưu động, cân cố định và phối hợp với cảng Đình Vũ bằng cách cân xe ngay tại cảng, kho bãi...,” ông Chiến kiến nghị.

Thừa nhận là công trình có hiệu quả kinh tế-xã hội nhưng việc thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn, ông Chiến cho biết, dự án được Nhà nước hỗ trợ 39% tổng mức đầu tư trong đó chủ đầu tư phải rất cố gắng để đầu tư vào các khu công nghiệp, khu đô thị được giao đê thu được 16% từ tiền sử dụng đất, được thu phí Quốc lộ 5 theo Thông tư 159/2013/TT-BTC và thu phí cao tốc với mức tương đương với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây để hoàn vốn nhưng VIDIFI phải mất tới 30 năm mới hoàn vốn đầu tư.

“Nếu không tăng phí theo phương án tài chính đã được các Bộ, ngành phê duyệt thì phương án tài chính không đảm bảo và sẽ không đủ trả lãi ngân hàng,” ông Chiến khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục