Kinh tế Trung Quốc giảm tốc và những hệ lụy đối với châu Á

Theo một số chuyên gia phân tích, sức tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc có thể tác động đến các nước Đông Nam Á nhiều hơn so với việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc và những hệ lụy đối với châu Á ảnh 1Tàu container cập cảng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một số chuyên gia phân tích, sức tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc có thể tác động đến các nước Đông Nam Á nhiều hơn so với việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), vì nhiều nước láng giềng của Trung Quốc dựa vào hoạt động giao thương với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới để có được tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu ở Đông Nam Á có thể giúp ích cho việc giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực.

GDP của Trung Quốc tăng 6,7% trong quý 1 vừa qua, được cho là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào đầu năm 2009.

Theo đánh giá của ông Joseph Incalcaterra, chuyên gia kinh tế của ngân hàng HSBC, sự trì trệ này ảnh hưởng tới lượng xuất khẩu của các nước trong vùng Đông Á. Nếu như trong thời kỳ 2000-2005, Mỹ và EU là lực đẩy quan trọng hơn cho sức tăng trưởng của xuất khẩu ở châu Á, ở giai đoạn 2006-2014, Trung Quốc lại có ảnh hưởng bao trùm.

Trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại tại 7/10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó bị ảnh hưởng nặng nhất là Indonesia - vốn là nước xuất khẩu rất nhiều khoáng sản sang Trung Quốc.

Đầu năm nay, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Đông Nam Á sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm 2016 và 4,8% trong năm 2017, cao hơn mức 4,4% ghi nhận trong năm 2015. Dân số khu vực này lên tới 620 triệu người và thương mại nội khối chiếm đến 25% tổng kim ngạch mậu dịch, giúp Đông Nam Á có được "sự che chắn" trước những ảnh hưởng của tình hình kinh tế Trung Quốc.

Nhận định riêng về tình hình kinh tế Việt Nam, ông Lê Hồng Hiệp, chuyên gia kinh tế thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, cho biết chưa nhận thấy nhiều tác động từ sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc tới Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2015 vẫn tiếp tục gia tăng.

Tuy có những thay đổi quan trọng trong giới lãnh đạo chính trị và những cuộc bầu cử mới đây diễn ra ở Philippines, Myanmar... nhưng đầu tư từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Mỹ vẫn đang đổ vào Đông Nam Á.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đang ra sức thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với 11 nước ven Thái Bình Dương có thể "đối trọng" với ảnh hưởng của Trung Quốc và tiếp tục hỗ trợ cho sức tăng trưởng của khu vực.

Những người ủng hộ TPP hy vọng hiệp định này sẽ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn vào cuối năm nay, trong khoảng thời gian chuyển tiếp giữa chính phủ cũ và chính phủ mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục