Sửa đổi luật để nâng cao giá trị, hiệu quả quản lý rừng

Tiếp tục chương trình làm việc chiều 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).
Sửa đổi luật để nâng cao giá trị, hiệu quả quản lý rừng ảnh 1 Nhân viên Hạt Kiểm lâm Quế Phong (Nghệ An) đối chiếu trên bản đồ và thực tế kiểm tra hiện trạng rừng. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc chiều 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).


Thể chế hóa quy định của Hiến pháp

Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ xây dựng Luật này nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lâm nghiệp là ngành kinh tế, xã hội bao gồm các hoạt động về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế; có cơ cấu quản lý, sản xuất kinh doanh hợp lý, ổn định theo hướng hiện đại, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người làm nghề rừng và công cuộc xây dựng nông thôn mới, ứng phó với biến đổi khí hậu và quốc phòng, an ninh.

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) có 12 chương, 97 điều. So với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, bổ sung bốn chương mới chế biến, thương mại lâm sản; hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp; giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Dự thảo Luật kế thừa 8 điều; sửa đổi 60 điều; bổ sung mới 29 điều; bỏ 19 điều.

Phạm vi điều chỉnh trong dự thảo được thiết kế theo hướng quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế, xã hội, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng.

Thẩm tra dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; có cơ cấu quản lý, sản xuất kinh doanh hợp lý, ổn định theo hướng hiện đại, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Việc xây dựng dự thảo Luật đã thể chế hóa kịp thời quy định của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu tài nguyên thiên nhiên; tiếp tục cụ thể hóa đường lối chủ trương của Đảng trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn...

Cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng

Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng để qua đó nâng cao giá trị, hiệu quả quản lý rừng; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phát triển lâm nghiệp, ngăn chặn tốt hơn tình trạng phá rừng; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và nhiều ý kiến khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh một yêu cầu mà dự thảo Luật phải đạt được đó là giải quyết những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành và những vấn đề phát sinh từ thực tế.

Theo dự thảo, phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về “quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản.” Nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo bởi Luật điều chỉnh hai mảng: thứ nhất là “quản lý, bảo vệ, phát triển” và thứ hai là “sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản.”

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật cơ bản đã xác định rõ ranh giới giữa Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) và các luật khác có liên quan cùng điều chỉnh lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, môi trường liên quan đến rừng như Luật đa dạng sinh học, Luật tài nguyên nước, Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường, Luật khoáng sản...

Để đảm bảo bố cục và tính hợp lý, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh sửa để sắp xếp các chương, mục, điều, khoản bảo đảm tính logic và khoa học hơn. Cụ thể như có sự trùng lặp trong quy định trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp tại các Điều 52 và Điều 92 của dự thảo Luật; quy định về nghĩa vụ của Chủ rừng tại Chương IV và Chương V; Khoản 3 Điều 80 Chương VIII quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Việt Nam trong Công ước về thương mại quốc tế các loại hoang dã nguy cấp nên chuyển xuống Chương IX về hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp.

Đề cao vai trò của lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị nên đưa các quy định về kiểm lâm vào Chương V "Bảo vệ rừng" thay vì quy định trong Chương XI "Quản lý nhà nước về lâm nghiệp" như dự thảo.

Điều 89 Chính sách đầu tư trong lâm nghiệp quy định: "Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư vào hoạt động lâm nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi về đầu tư, tín dụng theo quy định của Chính phủ." Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá những quy định này là quá chung chung, đọc nội dung, doanh nghiệp, người dân không hiểu được sẽ hưởng chính sách ưu đãi gì...

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý dự thảo Luật này liên quan nhiều tới nhiều luật trong đó đặc biệt là Luật đa dạng sinh học. Theo đó, những khái niệm đã có trong Luật đa dạng sinh học thì thôi không quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng mà sẽ viện dẫn sang Luật đa dạng sinh học để đảm bảo tính thống nhất...

Về tên gọi của Luật, theo Tờ trình số 68/TTr-CP ngày 1/3/2017 của Chính phủ trình Quốc hội tên gọi của Luật là “Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.” Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét đổi tên Luật thành “Luật lâm nghiệp” với lý do phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là toàn bộ các hành vi xã hội trong lĩnh vực lâm nghiệp trên nguyên tắc quản lý theo chuỗi như trong Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tên Luật lâm nghiệp ngắn gọn, dễ hiểu, bao quát đủ các nội dung Luật, phù hợp với quản lý ngành theo quy định của pháp luật trong nước và kinh nghiệm xây dựng luật của phần lớn các quốc gia khác... Tuy nhiên, qua thảo luận, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quan điểm nên giữ lại tên gọi cũ là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá tên gọi như Tờ trình của Chính phủ đảm bảo nhấn mạnh hai vế rõ ràng của Luật, đảm bảo được chủ đề, nội dung chính của Luật đó là bảo vệ và phát triển rừng.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào các vấn đề về phân loại rừng; chủ rừng; quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia...

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội.

Ngày mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục