Vĩnh biệt Tư lệnh “Chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi”

Luis Correa từng chỉ huy một đội du kích thủ đô Caracas bắt sống trung tá Mỹ nhằm đòi Mỹ và tay sai trả tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi.
Với lòng tiếc thương và những tình cảm chân thành, báo chí Venezuela và Mỹ Latinh trong những ngày này cho hay chiến sỹ du kích, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà làm phim nổi tiếng Luis Correa đã qua đời hôm 25/3/2010 ở tuổi 73 vì cơn tràn khí màng phổi.

Luis Correa còn được nhiều người biết đến vì đã chỉ huy một đội du kích thủ đô Caracas bắt sống trung tá Mỹ Michael Smolen ngày 9/10/1964 nhằm đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn trả tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi, bị bắt sau vụ ám sát hụt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara năm 1964.

Người ta nói đến Luis Correa như “một trong những đạo diễn xuất sắc nhất” Venezuela mọi thời đại. Ông đã đạo diễn và viết kịch bản 13 bộ phim về xã hội Venezuela những năm tháng dưới các chế độ áp bức. “Ledezma, vụ án Mamera” là một trong những bộ phim đặc sắc nhất của ông tố cáo sự đàn áp của cảnh sát, bảo vệ những người bị áp bức; nhưng cũng vì nó, ông đã bị chính quyền bắt giam.

Với cương vị là nhà văn, Luis Correa nổi tiếng qua tiểu thuyết đầu tay “FALN Brigada Uno” (Lực lượng Vũ trang Giải phóng dân tộc-Lữ đoàn số Một) viết về các phong trào du kích ở Venezuela thập niên 1960. Các tác phẩm thơ của ông mang đậm tinh thần cách mạng và nhân văn sâu sắc, như “Distancia hacia la Zona” (Khoảng cách), “Sol Mudo” (Mặt trời câm lặng), “Silenciario” (Tĩnh lặng)...

Người bạn chí tình của nhân dân Việt Nam

Trong thập niên 1950, Luis Correa làm việc tại Đài phát thanh 12 của Đảng Cộng sản Venezuela. Ông tham gia Ban chấp hành sinh viên đại học của Đoàn Thanh niên Cộng sản Venezuela, tốt nghiệp khoa báo chí Đại học UCV. Luis Correa tham gia phong trào đấu tranh vũ trang và từ một chiến sỹ ông trở thành chỉ huy Đơn vị chiến thuật biệt động nội thành. Những người cách mạng Venezuela thường gọi ông với biệt danh “Tư lệnh Gregorio.”

Vì những lý do khác nhau, phong trào đấu tranh vũ trang của những người cách mạng Venezuela đã thất bại vào cuối thập kỷ 1960, đầu thập kỷ 1970. Trong cuộc đời cách mạng của mình, ông và nhiều đồng đội đã sống và chiếu đấu tại nhiều nước như những chiến sỹ quốc tế. Các đồng chí của ông kể rằng Luis Correa từng đến Việt Nam, Liên Xô, Tiệp Khắc, Chile, Nicaragua, rồi trở về Venezuela.

Năm 1975, ông tham gia cuộc vượt ngục quy mô lớn của tù chính trị và du kích khỏi nhà tù San Carlos ở thủ đô Caracas. Nghề chính là làm báo, nhưng Luis Correa đã tham gia rất tích cực và có ảnh hưởng sâu sắc trong quá trình cách mạng Venezuela. Trước khi qua đời, ông phụ trách công tác an ninh tại Công ty dầu mỏ quốc doanh PDVSA, xương sống của nền kinh tế Venezuela.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam vừa là động lực cổ vũ, vừa thu hút sự ủng hộ của nhiều phong trào đoàn kết trên thế giới. Với cương vị là Tư lệnh Lữ đoàn số 1 của các Lực lượng Vũ trang Giải phóng Dân tộc (FALN) Venezuela, Luis Correa đã ra lệnh tiến hành chiến dịch bắt cóc Trung tá Smolen, Tùy viên không quân của Phái bộ quân sự Mỹ tại Venezuela ngày 9/10/1964 với mục tiêu buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn “đổi tù binh”, trả tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi, lúc đó bị ngụy quyền Sài Gòn kết án tử hình sau khi tham gia vụ ám sát bất thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara trên cầu Công Lý ở Sài Gòn.

Kế hoạch không thành, du kích phải thả Smolen để bảo toàn lực lượng trước sự vây ráp, đàn áp của quân thù. Những người cựu du kích Caracas nay vẫn cảm thấy đau đớn vì không cứu được anh Trỗi, nhưng như Octavio Beaumont Rodriguez, một cựu du kích từng hoạt động dưới sự chỉ huy của Luis Correa và nay là Chủ tịch Nhà Hữu nghị Venezuela-Việt Nam tại Caracas, đã khẳng định: “Chiến dịch Nguyễn Văn Trỗi” là một hành động dũng mãnh đoàn kết với nhân dân Việt Nam.”

Luis Correa và một số cựu du kích Venezuela đã không ngờ có dịp trở lại Việt Nam hồi tháng 4/2009 để chứng kiến những đổi thay ở đất nước mà họ yêu mến. Nhưng ông sẽ không thể đến được Việt Nam trong đoàn các cựu du kích Venezuela để tham dự những hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Có lẽ Correa đã biết trước điều đó. Những người đồng chí của ông kể lại rằng trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm ngoái, Luis Correa đã tâm sự: “Bây giờ tôi có thể yên tâm từ biệt thế giới này rồi, vì đã góp phần rất khiêm tốn của mình vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam”. /.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục