“Với phóng viên chiến trường, càng gian khổ càng vinh quang"

Những bức ảnh của cựu phóng viên chiến trường Hứa Kiểm không chỉ mang trong mình giá trị lịch sử, tư liệu quý báu, kể câu chuyện về một thời oanh liệt, bi tráng của dân tộc mà còn thực sự là những tác
“Với phóng viên chiến trường, càng gian khổ càng vinh quang" ảnh 1Ông Hứa Kiểm chia sẻ những kỷ niệm về thời gian làm phóng viên chiến trường. (Ảnh: Phương Mai/Vietnam+)

“Khi lao mình ra trận địa, tôi không nghĩ đến các khái niệm như ‘lòng yêu nước’ hay ‘lòng tự hào dân tộc’… Những lúc ấy, lý do duy nhất thôi thúc tôi là làm sao để hoàn thành nhiệm vụ được giao, chụp được những bức ảnh tốt nhất thể hiện tinh thần chiến đấu anh dũng của quân ta, phục vụ công tác tuyên truyền,” nghệ sỹ nhiếp ảnh Hứa Kiểm nhớ lại quãng thời gian những năm 1967-1969 làm phóng viên chiến trường, bám trụ ở chiến trường miền Trung, trên cung đường lửa - Đường 20 Quyết Thắng.

Nhà báo Hứa Kiểm đã được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (lĩnh vực nhiếp ảnh) lần thứ năm (2016) với bộ ảnh “Đường 20 Quyết Thắng.”

Bộ ảnh gồm năm ảnh: “Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sỹ lái xe,” “Vượt lầy,” “Chiến sỹ lái xe Lê Văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường, vượt cung đường 20 Quyết Thắng,” “Mở đường qua ngầm Tà Lê sau trận bom của máy bay B52 Mỹ,”“Cua chữ A - một trọng điểm trong cụm liên hoàn ATP.”

“Cớ gì tôi lại ở trong hầm?”

Thời gian đã lùi xa hơn bốn thập kỷ nhưng những hình ảnh về cung đường lửa ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm thức ông.

Nhà báo Hứa Kiểm vốn là giáo viên văn hóa của Tổng cục Chính trị Quân đội. Năm 1965, ông được cử đi học lớp đào tạo phóng viên tin, ảnh cho chiến trường miền Nam của Việt Nam Thông tấn xã. Sau đó, ông trở thành tay máy nòng cốt của Tổ ảnh Quân sự (đặt tại Phân xã Nhiếp ảnh - Việt Nam Thông tấn xã).

[Ước vọng hòa bình, thống nhất đất nước ở cả hai chiến tuyến]

Cuối tháng 1/1966, một tuyến đường mới dài 128km (Đường 20) được mở, bắt đầu từ thôn Phong Nha (Bố Trạch, Quảng Bình), vắt ngang dãy Trường Sơn, gặp Đường 128 tại ngã ba Lùm Bùm (Khăm Muộn, Lào). Đây là con đường huyết mạch nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Nhà nhiếp ảnh gắn bó cả thời trai trẻ với lửa đạn chiến trường ấy kể, trong thời gian từ giữa năm 1966 đến đầu năm 1973 (trước khi Hiệp định Paris được ký kết), Đường 20, trong đó đặc biệt là cụm trọng điểm liên hoàn ATP (gồm cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích) trở thành mục tiêu đánh phá tàn khốc của đế quốc Mỹ.

“Trong năm 1966, có ngày, địch cho máy bay B52 ném bom, quần thảo khu vực này tới 18 lần. Trong vòng sáu tháng cuối năm, địch đã ném khoảng hai vạn quả bom các loại xuống khu vực này. Những quả đồi bị bạt thấp hẳn đi, mặt đường bị bom đạn cày đi xới lại… Cảnh tượng nơi đây hoang tàn như vùng đất chết,” nhà báo Hứa Kiểm nhớ lại.

“Hiện thực khốc liệt ấy ‘đập thẳng’ vào mắt tôi, thôi thúc tôi lao ra trận địa để thu vào ống kính những hình ảnh bi tráng nhất về cuộc chiến. Làm sao tôi có thể ngồi yên khi lặng tiếng máy bay là anh em công binh, thanh niên xung phong gấp rút vá đường cho xe qua, bất kể ngày đêm, nắng mưa,” ký ức hiện về như thước phim quay chậm trước mắt cựu phóng viên chiến trường Hứa Kiểm.


“Hôm nay, ta chưa chết”

Khước từ lời đề nghị của anh em chiến sỹ về việc ở trong khu vực an toàn, ông đề nghị được ra trận địa, tới những nơi ác liệt nhất để tác nghiệp với một lý do: “Trong khi anh em xông pha trận mạc thì cớ gì tôi lại ngồi trong hầm trú ẩn? Là phóng viên chiến trường mà sợ hy sinh, gian khổ thì không thể có được những tác phẩm chất lượng.”

Vậy là ông tìm đến mọi ngóc ngách trên “cung đường lửa” để tác nghiệp, lội trong bùn hàng giờ liên tục để ghi lại cảnh chiến sỹ vượt qua những đoạn đường lầy, kiên trì đợi hàng giờ để được chứng kiến và lưu lại thời khắc chiến sỹ tuyên thệ trước khi vượt “cung đường lửa”…


“Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sỹ lái xe”
cũng là bức ảnh ông tâm đắc nhất trong cả bộ ảnh “Đường 20 Quyết Thắng.”

“Tuyên thệ là lời thề sẵn sàng hy sinh vì miền Nam ruột thịt, vì ước vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Không có chuyến đi nào tránh được bom đạn, thương vong. Hôm nay, cả đại đội còn đông đủ, cùng giơ cao bàn tay nắm chặt. Thế nhưng, không ai biết trước ngày mai sẽ ra sao,” giọng ông bỗng trùng xuống, đôi mắt ầng ậc nước nhìn về phía xa xăm.

Nhà báo-nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành (nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam) cho rằng, phải đặt giữa bối cảnh ngầm Ta Lê bị bom đạn cày xới tan hoang, cua chữ A ngổn ngang cây cối cháy rụi, rừng già biến thành đồi trọc, vùng đất đỏ biến thành ao lầy… mới thấy hết được giá trị bức ảnh, tinh thần quả cảm của người chiến sỹ.

“Những ai đã đi qua cuộc chiến sẽ không bao giờ quên được những cảnh tượng ấy. Những bức ảnh của cựu phóng viên chiến trường Hứa Kiểm không chỉ mang trong mình giá trị lịch sử, tư liệu quý báu, kể câu chuyện về một thời oanh liệt, bi tráng của dân tộc mà còn thực sự là những tác phẩm nhiếp ảnh đắt giá,” ông Chu Chí Thành bày tỏ.

Ấn tượng về gương mặt trẻ trung của “Chiến sỹ lái xe Lê Văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường, vượt cung đường 20 Quyết Thắng” vẫn vẹn nguyên trong tâm thức người phóng viên chiến trường năm xưa.

Nhà báo Hứa Kiểm kể, trong thời gian làm nhiệm vụ tuyến Đường 20 Quyết Thắng, ông có dịp đi cùng chiến sỹ lái xe Lê Văn Bạch (quê Hải Dương) qua trọng điểm ATP. Di chuyể trong đêm tối, địa thế khó khăn, tầm nhìn hạn chế, có ba lần xe suýt lao xuống vực; rồi máy bay liên tục oanh tạc, thả bom bi, quần thảo trên đầu.

“Kết thúc đêm ấy, tôi nói với Lê Văn Bạch rằng, chúng ta suýt chết sáu lần. Thế nhưng, thật bất ngờ, Bạch cười rất tươi đáp lại tôi, rằng: ‘Một đêm mà đã chết hụt sáu lần. Vậy nếu nhẩm tính một tuần, một tháng thì sẽ suýt chết bao nhiêu lần? Cánh lái xe chúng em không nói suýt chết; mà chỉ bảo hôm nay, ta chưa chết.’ Câu nói, ánh mắt đầy lạc quan của Bạch ám ảnh tôi đến tận bây giờ, dù sau đêm đó, chưa một lần tôi gặp lại anh,” ông Hứa Kiểm nhớ lại.

Lặng đi chừng vài phút, nhà nhiếp ảnh đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân đi dọc cuộc chiến từ Bắc vào Nam, từ quê hương tới đất bạn Lào, Campuchia để rồi có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 ấy bảo: “Nếu không có lòng say nghề, không dám xông pha vào những nơi ác liệt nhất thì không thể làm được phóng viên chiến trường. Với phóng viên chiến trường, càng gian khổ thì càng vinh quang.”

Bộ ảnh "Đường 20 Quyết Thắng" của cựu phóng viên chiến trường Hứa Kiểm (Nguồn ảnh: TTXVN):

“Với phóng viên chiến trường, càng gian khổ càng vinh quang" ảnh 2Mở đường qua ngầm Tà Lê sau trận bom của máy bay B52 Mỹ
“Với phóng viên chiến trường, càng gian khổ càng vinh quang" ảnh 3Cua chữ A - một trọng điểm trong cụm liên hoàn ATP
“Với phóng viên chiến trường, càng gian khổ càng vinh quang" ảnh 4Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sỹ lái xe
“Với phóng viên chiến trường, càng gian khổ càng vinh quang" ảnh 5Chiến sỹ lái xe Lê Văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường, vượt cung đường 20 Quyết Thắng
“Với phóng viên chiến trường, càng gian khổ càng vinh quang" ảnh 6Vượt lầy
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục