10 năm Chơ rao bay đi,thấm thoắt đã 10 năm rồi

Chim Chơ rao bay đi, thấm thoắt đã 10 năm rồi

Bạn bè và người yêu thơ Thu Bồn vẫn như luôn có anh trong cuộc đời, gần gũi, ấm áp như những câu thơ của anh đã thành “bất tử.”
Chim Chơrao ơi bay về buôn vắng…
Báo tin buồn đi khắp mọi nơi…
Thấm thoắt đã 10 năm ngày anh về với đất mẹ. Dòng Thu Bồn vẫn xanh trong như chưa từng bao giờ vắng nhà thơ đã lấy tên sông làm tên của mình. Bạn bè và người yêu thơ vẫn như luôn có anh trong cuộc đời, gần gũi, ấm áp như những câu thơ của anh đã thành “bất tử.” Tôi cũng không thể cầm lòng, “chống lại ngày quên lãng” như nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn để đọc và đăng lại nguyên văn bài “Tạm biệt Huế” của anh. Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ
Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu
Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng
Mặt trời vàng và mắt em nâu

Xin chào Huế một lần anh đến

Để ngàn lần anh mãi nhớ trong mơ
Em rất thực nắng thì mờ ảo
Xin đừng lầm em với Cố đô

Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy

Nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền
Nón rất Huế nhưng đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng

Nhịp cầu cong và con đường thẳng

Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

Tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt

Hải Vân ơi xin Người đừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia…
Có thể vì tôi gốc Huế, dù không sinh ra và lớn lên ở đó, nhưng Cố đô với dòng sông Hương lững lờ trôi, xuôi qua thôn Vỹ là đến quê cha, để mà đứng bên này sông gọi họ là bên kia sông dạ ran… đã thấm vào tôi chính từ những câu thơ ly biệt mà tôi đã thuộc nằm lòng, khi chưa một lần về Huế. Để thuộc rồi mà mãi vẫn chưa hiểu sao “Nón rất Huế mà đời không phải thế,” chỉ có khi đã đến Huế rồi, đã chia tay mới thấy rưng rưng nhòa lệ. Và cứ mỗi lần đọc lại mắt lại cay… Với tôi, đây là bài thơ “Đẹp” nhất về Huế. Nó ám ảnh từng câu chữ để sau này, tôi viết câu: “Hoàng hôn rồi, em nhớ, mắt anh đâu” chính tôi cũng cứ thấy nó quen quen, nó như là của ai, không phải của mình. Về sau, một lần nhà thơ Vũ Quần Phương trong một buổi đọc thơ, có ra nói với tôi, cái câu “hoàng hôn” gì gì đó của cậu, nó như là đạo thơ Thu Bồn “Mặt trời vàng và mắt em nâu…” cậu đọc lại xem nào. Đọc xong, anh Phương gật gù, ừa, chẳng có gì liên quan, nhưng nó cứ giông giống. Chả có gì liên quan, nhưng cả tôi cũng đồng tình là nó cứ giông giống làm sao ấy. Nó như không có câu thơ kia thì sẽ chẳng có câu thơ của mình. Một sự thừa hưởng vô thức. Tôi mê Thu Bồn từ "Tạm biệt Huế," đến thuộc hết cả trường ca "Bài ca chim Chơ rao," lần gặp anh ở 51 Trần Hưng Đạo, tôi đọc một hơi không nghỉ, anh cứ ngửa cổ cười ngất… bảo: “Cô đọc như là chim, nhưng không phải Chơ rao mà chim chích chòe…” Đó cũng là lần duy nhất tôi gặp anh.
[Tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Thu Bồn]
Thu Bồn viết truyện cũng như thơ. Nên có những truyện của Thu Bồn nhiều đoạn tôi cũng thuộc như thơ. Thuộc và cảm giác nó như một định mệnh, như lời khuyên về cách sống. Đó là những đoạn anh viết về cuộc tình, về số phận mà nhân vật chính như rút ra từ anh-với biết bao nghiệt ngã, cay đắng, với tình yêu như dòng thác lũ cứ cuốn trôi đi, dâng hiến, đầy bao dung, không lời oán trách dẫu nó để lại những vết thương lòng đau đớn. Sau này tôi có quen con trai anh, tình cờ qua một người bạn học cùng đại học - Hà Băng Ngàn, tôi mới biết, có những cuốn sách, anh đã đưa cả đời mình vào. Rằng Thảo Nguyên, Băng Ngàn là có thật. Vì thế mà, tôi đôi khi cũng lẫn lộn, không rõ bao nhiêu là tác giả hư cấu, bao nhiêu là cuộc đời của chính anh. Sau này khi học văn, tôi mới thấu bút pháp của nhà văn là hư ảo và Thu Bồn chính là bậc thầy của thứ văn chương mang màu sắc huyễn hoặc, trào lộng pha phần ma mị nhưng cũng đầy hiện thực. Và khiến mỗi câu, mỗi chữ của Thu Bồn cứ ám ảnh, day dứt… Mới đây, qua thông tin từ anh Ngô Thảo, Hà Băng Ngàn đã vào trại tâm thần vì di chứng chất độc màu da cam do Thu Bồn bị nhiễm, Thảo Nguyên thì đã mất từ khi 16 tuổi cũng vì căn bệnh đó. Nhưng người đàn ông có vóc dáng to, mái tóc bù xù cứng như rễ tre trong mắt bạn bè, cũng như trong ký ức của tôi dù chỉ có một lần diện kiến, thì như không bao giờ có nỗi buồn. Anh như sông ào ạt chảy, như đá tảng của núi rừng Tây Nguyên nơi anh gắn bó đầy vững trãi mà không ai có thể đi vào được đáy con sông đó, giữa tảng đá đó… Rồi, bất chợt một ngày “Mặt trời tắt đi tia nắng…” Thu Bồn đi về “phía bên kia…” [Tráng sĩ hề... dâu bể: Nén nhang bạn hữu nhớ Thu Bồn] Song con sông Thu Bồn là tên anh hay tên sông đã không còn ai phân định, có một Thu Bồn “hóa đá” trong lòng bạn bè, trong lòng người đọc, một thứ đá cẩm thạch quý hiếm. Anh sẽ mãi ở đó, trấn giữ một khoảng vừa đủ cho cánh chim Chơ rao bay liệng. Nhà phê bình Ngô Thảo với sự ủng hộ của một doanh nhân và các bạn bè đã in cuốn "Thu Bồn, tráng sĩ hề dâu bể" - như một nén nhang để tặng cho anh vào kỷ niệm 10 năm ngày anh ra đi. Cuốn sách gồm ba ba phần, một là những bài thơ của Thu Bồn từng được độc giả yêu thích, phần nữa là các bài viết thay cho Tự truyện mà nhà thơ chưa kịp hoàn thành. Phần thứ ba là là các tâm sự, chia sẻ, câu chuyện về anh từ các bạn văn… Nhưng tôi ước ao, sẽ có một Tổng tập của Thu Bồn, để được đọc lại toàn bộ các tác phẩm của anh. Để người đọc ngày nay được tiếp cận với văn, thơ Thu Bồn một cách đầy đủ, toàn diện và trang trọng. Viết những dòng này, nhân giỗ anh 10 năm, hy vọng sẽ có những bạn văn như anh Ngô Thảo, như nhà thơ Nguyễn Thụy Kha… cùng hưởng ứng. Bắt đầu từ,tìm lại những bản in cũ… 17/6/2013
Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng, sinh ngày 1 tháng 12 năm 1935 tại Quảng Nam, mất ngày 17 tháng 6 năm 2003. Thu Bồn là bút danh ông lấy theo tên dòng sông Thu Bồn quê hương mình.

Ông vào bộ đội năm 11 tuổi và là thiếu sinh quân ở đơn vị biệt động chiến đấu, sau đó làm phóng viên chiến trường Liên khu V. Hòa bình ông về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thu Bồn là ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ miền Trung Trung Bộ và ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV.

Các tác phẩm:


Bài ca chim Chơ Rao (trường ca, 1962),

Tre xanh (thơ, 1965),
Mặt đất không quên (thơ, 1970),
Dưới đám mây màu cánh vạc (tiểu thuyết 2 tập, 1975);
Oran 76 ngọn (trường ca, 1979),
Người vắt sữa bầu trời (trường ca, 1985)
Thông điệp mùa xuân (trường ca, 1985)
Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên (thơ, 1992)...
Tôi nhớ mưa nguồn (thơ, 1999)
Trường ca tuyển tập (1999)
Gởi lời con đến cùng cha
• Quê hương mặt trời vàng

Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục