16 ngày không có ca nhiễm mới, Campuchia vẫn ở mức 'đáng báo động'

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho rằng Campuchia vẫn đang trong giai đoạn đầu của dịch và một làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
16 ngày không có ca nhiễm mới, Campuchia vẫn ở mức 'đáng báo động' ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 25/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Campuchia vẫn được coi là ở mức độ “đáng báo động” và xác suất lây nhiễm không hề thấp, dù tính đến ngày 28/4 Campuchia đã bước sang ngày thứ 16 liên tiếp không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào.

Tính đến ngày 27/4, Viện Y tế công và Viện Pasteur Campuchia đã xét nghiệm 11.576 mẫu bệnh phẩm và phát hiện 122 ca mắc COVID-19, trong đó 119 bệnh nhân đã bình phục. 

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho rằng Campuchia vẫn đang trong giai đoạn đầu của dịch và một làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Theo bà Or Vandine, đánh giá này dựa trên tình hình một bộ phận người dân Campuchia đang tỏ ra chủ quan và lơ là các biện pháp phòng chống dịch.

Bà cảnh báo rằng nhiều người dân Campuchia hiện đang đi lại rất tự do, tới chợ, siêu thị và các nhà hàng mà không thực hiện giãn cách xã hội, đồng thời đề nghị người dân tiếp tục có các biện pháp vệ sinh phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm.

Liên quan dịch bệnh, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 27/4, người phát ngôn Bộ Lao động và Đào tạo Nghề Campuchia Heng Sour cho biết khoảng 10.000 lao động ngành may mặc ở Phnom Penh về quê nhân dịp Tết cổ truyền Khmer chưa trở lại thủ đô vì sợ bị cách ly giám sát.

Báo Khmer Times dẫn lời ông Heng Sour nói rằng có tổng cộng khoảng 15.000 lao động đã về quê trong dịp Tết Khmer, trong đó hơn 5.000 người đã quay lại Phnom Penh và phải thực hiện tự cách ly có thời hạn tại nhà.

[Campuchia miễn thuế cho các nhà hàng, khách sạn và hãng lữ hành]

Tuy nhiên, còn 10.000 lao động nữa quyết định chưa quay lại Phnom Penh vào thời điểm này vì không muốn thực hiện cách ly. Họ ở lại quê nhà giúp đỡ gia đình làm nông nghiệp.

Những lao động trên có quyền không quay lại Phnom Penh sau khi nghỉ Tết Khmer, nhưng họ vẫn phải theo dõi sức khỏe ở những trung tâm được chỉ định theo hướng dẫn của Bộ Y tế Campuchia. Những lao động này đã vội vã về quê trước khi Campuchia áp lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh từ ngày 10/4 đến 16/4 để ngăn dịch COVID-19 lây lan.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Campuchia, từ ngày 20-24/4, Bộ đã phối hợp với Chính quyền Phnom Penh chuẩn bị 10 trung tâm kiểm tra sức khỏe lao động dệt may quay lại Phnom Penh và 3 trung tâm khám sàng lọc COVID-19 cho hơn 5.000 công nhân. Theo đó, 4.823 công nhân phải tự cách ly và 222 công nhân được chuyển đến điểm cách ly tập trung.

Cho đến nay đã có 130 nhà máy sản xuất hàng may mặc nộp đơn xin đóng cửa do các nhà nhập khẩu hủy đơn hàng vì dịch bệnh COVID-19. Hậu quả trên sẽ tác động đến khoảng 100.000 công nhân Campuchia.

Nhằm hỗ trợ công nhân, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tuyên bố chính sách trợ cấp 70 USD/tháng cho mỗi công nhân thuộc các nhà máy bị đóng cửa, trong đó Chính phủ chi trả 40 USD và chủ lao động trả 30 USD.

Theo số liệu của Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo của Campuchia, hiện nay tại nước này có 1.099 nhà máy thuộc ngành may mặc, giày dép và túi xách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục