“192 giờ”: Chuyện của người duy nhất sống sót sau tai nạn máy bay

Độc giả sẽ tìm thấy ở đây những trải nghiệm cá nhân và cách mà Annette Herfkens (hành khách duy nhất sống sót sau vụ tai nạn máy bay) vượt lên những cơn đau để giành lại sự sống của mình.

Ký ức về những giờ phút giành giật sự sống của Annette Herfkens - hành khách duy nhất trên chiếc máy bay Yak 40 sống sót sau vụ tai nạn thảm khốc vào năm 1992 tại núi Ô Kha, xã Sơn Trung (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) được kể lại trong cuốn tự truyện “192 giờ.”

Ở đó, tác giả đã mô tả lại cách thức để tồn tại trong tám ngày cô độc giữa thung lũng Ô Kha - nơi vốn được mệnh danh là “thung lũng tử thần” từ trước năm 1975 bởi nhiều máy bay đã từng rơi ở khu vực này. Trong suốt tám ngày, Annette Herfkens đã phải lấy những miếng xốp từ thân máy bay để tích nước làm nguồn “thức ăn” sống qua ngày, cho đến khi đoàn cứu hộ xuất hiện và đưa cô tới bệnh viện cấp cứu.

Trước đó, vào ngày 14/11/1992, Annette Herfkens và chồng sắp cưới Willem Van der Pas cùng 31 hành khách rời Thành phố Hồ Chí Minh để tới Nha Trang trên chuyến bay mang số hiệu 474 của Vietnam Airlines.

Thế nhưng, tai nạn đã bất ngờ xảy đến. Chiếc máy bay đâm vào đỉnh núi và rơi xuống thung lũng Ô Kha cách đích đến Nha Trang 19 dặm và cách ngôi làng gần nhất 10 dặm.

“192 giờ”: Chuyện của người duy nhất sống sót sau tai nạn máy bay ảnh 1(Ảnh: First News)

Sau khi máy bay rơi, vẫn còn vài người sống sót; nhưng dần dần, họ lần lượt qua đời. Annette Herfkens thoát chết nhưng lại mang thương tích đầy mình: “Đầu gối trái có một vết thương lớn và sâu. Đầu gối phải đầy máu. Da trên mắt cá chân thì hầu như bị xé toạc ra. Thế nhưng, cảnh tượng hãi hùng nhất phải nằm ở ống chân: Tôi nhìn thấy cả xương mình! Một tấc xương phơi lồ lộ ra qua nhiều thớ thịt.”

Độc giả sẽ tìm thấy ở đây những trải nghiệm cá nhân và cách mà Annette Herfkens  vượt lên những cơn đau, sự mất mát để giành lại sự sống của mình.

Không dừng lại ở đó, Annette Herfkens còn mở rộng biên độ cuốn sách khi kể về cuộc sống của mình sau khi được cứu thoát, hành trình vượt qua nỗi đau, những ám ảnh để đoàn tụ với gia đình và trở lại với công việc.

Hành trình trở lại Việt Nam vào năm 2006, leo lên đỉnh núi Ô Kha - nơi tác giả từng đối mặt cái chết được kể lại trong phần hai của cuốn sách. Chuyến đi ấy gợi nhắc quá khứ và cho tác giả cái nhìn bình thản hơn vào những gì đã xảy ra.

Bản tiếng Việt “192 giờ” do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt-First News phát hành tháng 8/2014./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục