75 năm chiến thắng phátxít: Những biểu tượng lịch sử ở Berlin

Điểm thu hút nhất của Viện bảo tàng Đức-Nga là "căn phòng đầu hàng," nơi đại diện chế độ phátxít đã ký tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và lực lượng đồng minh năm 1945.
Người dân tới thăm Viện bảo tàng Đức-Nga ở Berlin. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)
Người dân tới thăm Viện bảo tàng Đức-Nga ở Berlin. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Tròn 75 năm kỷ niệm Ngày Chiến thắng phátxít, ngày 8/5, tại nhiều nơi nước Đức đã diễn ra một số hoạt động kỷ niệm trong bối cảnh vẫn còn những hạn chế do quy định giãn cách xã hội vì dịch bệnh COVID-19.

Trong ngày lịch sử trọng đại này, nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Đức đã tới thăm một trong những địa điểm ghi dấu ấn, đánh dấu sự kiện kết thúc cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô Viết, giải thoát loài người khỏi chế độ phátxít, đó là Viện bảo tàng Đức-Nga ở Berlin.

Thông thường vào ngày này những năm trước, nơi đây thường tổ chức nhiều sự kiện để đánh dấu ngày Đức Quốc xã đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và lực lượng đồng minh, thế nhưng năm nay, nhiều sự kiện được lên kế hoạch đã phải hủy do dịch bệnh COVID-19.

Tuy vậy, bảo tàng vẫn mở cửa cho du khách tham quan, song phải thực hiện giãn cách và đeo khẩu trang bên trong bảo tàng.

Điểm thu hút nhất của viện bảo tàng là "căn phòng đầu hàng," nơi đại diện chế độ phátxít đã ký tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và lực lượng đồng minh lúc 22h43 ngày 8/5/1945 (giờ Berlin), tức 00h43 ngày 9/5/1945 (giờ Moskva), chính thức kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai ở châu Âu.

Trên chiếc bàn ký văn kiện, người ta vẫn thấy còn đó những chiếc micro và lá cờ Liên bang Xô Viết cùng ba nước đồng minh trong cuộc chiến là Pháp, Anh và Mỹ. Trong khuôn viên viện bảo tàng còn trưng bày những khẩu pháo và xe tăng từng tham gia trong cuộc chiến.

Sau khi Đức Quốc xã ký tuyên bố đầu hàng, từ năm 1945-1949, tòa nhà trở thành trụ sở của chính quyền quân sự Liên Xô tại Đức. Năm 1949 tại địa điểm này, Liên Xô đã trao quyền hành chính cho chính phủ đầu tiên của Cộng hòa Dân chủ Đức.

Đến năm 1967, Bảo tàng Lực lượng vũ trang Liên Xô ở Đức được mở tại đây và đến năm 1986 được đổi tên thành "Bảo tàng Đầu hàng vô điều kiện của phátxít Đức trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại" và tồn tại cho đến năm 1994.

[75 năm chiến thắng phátxít: Lãnh đạo Mỹ, Đức tưởng nhớ các nạn nhân]

Nhân kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh ở châu Âu năm 1995, bảo tàng có tên chính thức là Bảo tàng Đức-Nga và được khai trương, mở cửa cho công chúng tham quan, hằng năm thu hút khoảng 40.000 lượt khách thăm.

Chính phủ Đức và Nga cùng có trách nhiệm gìn giữ, tôn tạo viện bảo tàng đặc biệt này để nhắc nhở các thế hệ về hậu quả của chiến tranh, về cuộc chiến đẫm máu, khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại.

Trong Ngày Chiến thắng phátxít ở châu Âu này, rất nhiều người đã tới tham quan bảo tàng và đặt hoa để tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh khốc liệt, đồng thời nhắc nhở nhân loại về tội ác của chủ nghĩa phátxít, cũng như không để tái diễn những sự kiện đau thương như vậy.

Tình cờ khi đến nơi đây, chúng tôi được gặp anh Eugeny Chernayrskiy, một người Đức gốc Nga hiện sinh sống ở Berlin. Ông của anh Chernayrskiy từng là công nhân sản xuất pháo hỏa lực Katyusha ở vùng Siberia của Nga, phương tiện chiến tranh đã góp công rất lớn vào thắng lợi của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Anh vẫn nghẹn ngào khi nói về những tổn thất do chiến tranh gây ra đối với người Nga và nhiều nước châu Âu.

Trong khi đó, ông Richard Burger, một người Đức hiện sinh sống ở Berlin, trong cuộc trao đổi với chúng tôi đã ca ngợi và tri ân sự hy sinh và đóng góp của lực lượng Hông quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại giúp giải phóng nhân loại khỏi thảm họa phátxít.

Rời Viện bảo tàng Đức-Nga, chúng tôi tiếp tục tới Tượng đài Chiến tranh Xô Viết nằm ngay bên Cổng thành Brandenburg lịch sử và Tòa nhà Quốc hội, nơi từng là sào huyệt cuối cùng của chùm phátxít Hitle trước khi y tự sát ngày 30/4/1945.

Tượng đài chiến tranh Xô Viết là một trong nhiều tượng đài chiến tranh ở Berlin, được Liên bang Xô Viết xây dựng để tưởng nhớ những những người đã ngã xuống trong cuộc chiến, trong đó có khoảng 80.000 chiến sỹ Hồng quân đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến ở Berlin trong tháng 4-5/1945.

Tượng đài được xây dựng trên đống hoang tàn đổ nát và nhiều phần trong khu vực tượng đài được lấy vật liệu, như các bia đá, từ Tòa nhà Quốc hội bị phá hủy cạnh đó.

Trong Ngày Chiến thắng phátxít, nhiều chính trị gia, các tổ chức và người dân từ khắp nơi đã tới đây để đặt hoa, tỏ lòng tưởng nhớ và tri ân những người lính Xô Viết đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đồng thời nhắc nhở nhân loại về tội ác của chủ nghĩa phátxít, về sự thảm khốc của chiến tranh và còn để nhân loại tránh những cuộc chiến chỉ mang lại đau thương và mất mát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục